Thứ bảy, 27/04/2024, 18:16
hoagiaiocoso

Tình huống pháp luật về mang thai hộ, hộ tịch

Chủ nhật - 20/08/2023 23:20 449 0

Tình huống 1. Chú tôi đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Bản Hon huyện Tam Đường.Tháng trước, chú tôi bị bệnh, được đưa vào chữa trị tại Bệnh viện đa khoa  tỉnh Lai Châu và qua đời tại đây. Bệnh viện đã cấp giấy báo tử cho chú tôi. Xin hỏi: gia đình chú tôi phải đăng ký khai tử cho chú tôi tại xã Bản Hon– nơi cha tôi cư trú hay tại phường Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu – nơi cha tôi qua đời? Gia đình tôi phải thực hiện thủ tục đăng ký khai tử sau bao nhiêu ngày kể từ khi cha tôi qua đời?

Gợi ý trả lời:

Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai tử như sau:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, gia đình bạn thực hiện đăng ký khai tử cho cha tại Ủy ban nhân dân nơi cha bạn cư trú trước khi qua đời, cụ thể trong trường hợp của bạn là Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Về thời hạn đăng ký khai tử, khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch quy định như sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.”

Tình huống 2. Vừa qua ở khu chung cư nơi tôi sinh sống có 2 trường hợp chết: một bà cụ người Việt Nam và một người đàn ông mang quốc tịch Hàn Quốc. Đề nghị cho tôi biết thủ tục thực hiện đăng ký khai tử đối với người Việt Nam và người nước ngoài chết ở Việt Nam có khác nhau không? Thủ tục cụ thể như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Thủ tục thực hiện đăng ký khai tử đối với người Việt Nam và người nước ngoài chết ở Việt Nam khác nhau ở thẩm quyền đăng ký khai tử: đăng ký khai tử cho người Việt Nam chết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết; đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết ở Việt Nam tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết.

Thủ tục cụ thể như sau:   

- Đối với trường hợp đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử. Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Điều 34 Luật Hộ tịch năm 2014).

- Đối với trường hợp đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết tại Việt Nam: Người đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch (là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết; trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết). Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi khai tử ký vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục hộ tịch cho người đi khai tử. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc. Sau khi đăng ký khai tử, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục hộ tịch cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân (Điều 52 Luật Hộ tịch năm 2014).

Tình huống 3. Vợ chồng chúng tôi lấy nhau đã hơn 10 năm nay nhưng chưa có con. Vừa qua, chúng tôi rất mừng khi biết nhà nước ta cho phép sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Xin cho biết các nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

- Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

- Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

- Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

- Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Tình huống 4. Tôi là Giám đốc một bệnh viện chuyên khoa phụ sản tư nhân. Xin hỏi bệnh viện của chúng tôi có thể được công nhận là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 7, Nghị định 10/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm a, khoản 2, Điều 19, Nghị định 155/2018/NĐ-CP), cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đáp ứng 2 điều kiện sau:

Thứ nhất, phải là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh sau đây:

- Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên;

- Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi;

- Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân;

- Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

Thứ hai, Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân sự để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:

a) Cơ sở vật chất:

- Có phòng hồi sức cấp cứu;

- Có xét nghiệm nội tiết sinh sản;

- Có đơn nguyên riêng cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm gồm các phòng: Chọc hút noãn; lấy tinh trùng; lab nuôi cấy; xét nghiệm và lọc rửa tinh trùng đáp ứng các tiêu chuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

b) Trang thiết bị y tế:

Có tối thiểu các trang thiết bị y tế: 02 tủ cấy CO2; 02 tủ ấm; 01 bình trữ tinh trùng; 01 máy ly tâm; 01 bình trữ phôi đông lạnh; 01 máy siêu âm có đầu dò âm đạo; 01 kính hiển vi đảo ngược; 02 kính hiển vi soi nổi; 01 bộ tủ thao tác.

c) Nhân sự:

Nhân sự trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Có ít nhất 02 bác sỹ được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và 02 cán bộ có trình độ đại học y, dược hoặc sinh học được đào tạo về phôi học lâm sàng;

- 02 bác sĩ lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

- Các nhân sự phải có văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp;

- Các nhân sự phải có xác nhận đã thực hành ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cấp

Tình huống 5. Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn 3 năm nhưng vẫn chưa có con do vợ tôi không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm). Bác sĩ tư vấn cho chúng tôi áp dụng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và chúng tôi đã được em dâu đồng ý. Xin hỏi chúng tôi cần chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ gì để được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Gợi ý trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP;

- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP;

- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;

- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định và đã từng sinh con;

- Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;

- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;

- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ nêu trên, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Tình huống 6. Vợ chồng tôi đã nộp Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hiện nay, chúng tôi cũng như em dâu tôi (người mang thai hộ) có tâm lý lo lắng. Tôi được biết trước khi thực hiện biện pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ được tư vấn về một số vấn đề trong đó có tư vấn về tâm lý. Đề nghị cho biết nội dung tư vấn về tâm lý như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện tư vấn?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 17, Nghị định 10/2015/NĐ-CP, trước khi thực hiện biện pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ được tư vấn tâm lý như sau:

* Đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ:

- Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này;

- Người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh;

- Hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ;

- Tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con;

- Thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi;

- Các nội dung khác có liên quan.

* Đối với người mang thai hộ:

- Tâm lý, tình cảm của người trong gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ;

- Tâm lý trách nhiệm đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nếu để sảy thai;

- Tác động tâm lý đối với con ruột của mình;

- Cảm giác mất mát, mặc cảm sau khi trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai;

- Chỉ thực hiện mang thai hộ khi động lực chính là mong muốn giúp đỡ cho cặp vợ chồng nhờ mang thai, không vì mục đích lợi nhuận;

- Các nội dung khác có liên quan.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ có trách nhiệm tổ chức tư vấn về tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc người mang thai hộ có Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có thẩm quyền, trách nhiệm tư vấn tâm lý làm việc tại cơ sở được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động chuyên môn tư vấn tâm lý thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ không phải tổ chức tư vấn về lĩnh vực tâm lý.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay13,677
  • Tháng hiện tại376,348
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,396,734
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down