Thứ bảy, 27/04/2024, 16:24
hoagiaiocoso

Một số tình huống pháp luật liên quan tới hộ tịch và Bình đẳng giới

Thứ hai - 28/08/2023 22:29 855 0
Tình huống1
Anh Lâm làm giáo viên, chị Hằng (vợ anh) ở nhà nội trợ. Hiện nay, chị Hằng được một người bạn rủ góp vốn để thành lập doanh nghiệp về dịch vụ spa làm đẹp. Thấy đây là cơ hội để phát triển bản thân cũng như đem lại thu nhập cho gia đình, chị Hằng đã bàn bạc với chồng cho chị đóng cổ phần để thành lập doanh nghiệp. Chưa nghe vợ nói hết câu, anh Lâm đã nổi khùng lên và cho rằng chị là phụ nữ chỉ hợp với việc bếp núc, nội trợ mà thôi. Hỏi, hành vi của anh Lâm có vi phạm quy định pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?
Trả lời:
Hành vi của anh Thắng là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, vì:
Điều 12 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, như sau:
“1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ quy định nêu trên, hành vi anh Thắng là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Ngoài ra, hành vi trên của anh Thắng còn vi phạm quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình theo Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, như sau:
“Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Tình huống 2
Vợ chồng anh Q ở xã Sơn Bình huyện Tam Đường sinh được 03 người con, 02 gái 01 trai, do kinh tế khó khăn nên vợ chồng anh Q quyết định chỉ cho cậu con trai đi học đại học, còn 02 cô con gái chỉ cho theo học hết cấp II sau đó phải ở nhà để giúp bố mẹ làm ruộng và kiếm sống vì anh Q cho rằng con gái là con của người ta học làm gì nhiều, mai này nó đi lấy chồng là hết. Hỏi, hành vi của anh Q có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?
Trả lời: 
Hành vi của anh Q là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, vì:
Khoản 4 Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định:
“4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển;...”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi anh Q là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Ngoài ra, hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình của anh Q còn là hành vi bạo lực gia đình theo điểm đ, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022:
 “1. Hành vi bạo lực gia đình:
... đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;...”.
Tình huống 3
Vợ chồng anh Lẻng có một con Trâu, do cần tiền, anh Lẻng quyết định bán gấp con Trâu với giá 05 triệu đồng, vợ anh (chị Mý) không đồng ý vì giá quá rẻ, bàn với anh bán giá cao hơn để cho đúng với giá thị trường, nhưng anh không cho phép chị Mý có ý kiến, vì anh cho rằng mình là đàn ông, là trụ cột gia đình nên có thể tự quyết định, còn vợ thì phải phụ thuộc chồng, nên không được phép can thiệp? Chị Mý muốn biết, hành vi của anh Lẻng có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?
Trả lời:
Hành vi của anh Lẻng là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, vì:
Khoản 2 Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định:
 “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”.
Tình huống 4
Anh Kiên và chị Lan thường trú ở bản Khun Há huyện Tam Đường, hiện nay bản Khun Há đang xây dựng quy ước của thôn để giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm xanh – sạch – đẹp. Vừa rồi, cả thôn có họp để lấy ý kiến người dân về dự thảo quy ước trên, cả chị Lan và anh Kiên đều có ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo quy ước, tuy nhiên sau đó anh Phương- công dân của thôn đã phát biểu cho rằng: “Chị Lan là đàn bà, con gái, có biết gì đâu mà đi góp ý vào những việc của thôn và đề nghị lãnh đạo thôn không tiếp thu ý kiến của chi Lan”. Hỏi, hành vi trên của anh Phương có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?
Trả lời:
Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, như sau:
“1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”.
Căn cứ quy định trên thì hành vi (lời nói) của anh Phương là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Tình huống 5
Bà Nhàn là Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 5 phường Tân Phong muốn biết có mấy biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để phổ biến cho các thành viên trong tổ của mình khi tham gia giải quyết các vụ việc?
Trả lời:
Điều 19 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định 07 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, gồm:
(1) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
(2) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
(3) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
(4) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
(5) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
(6) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
(7) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo.
Tình huống 6
Vợ chồng ông Nam có 02 người con sinh đôi, 01 trai (Sơn) và 01 gái (Hà). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, hai anh em bắt đầu lựa chọn ngành học, anh Sơn từ bé tính cách trầm lắng, hướng nội mong muốn được làm thầy giáo nên dự định đăng ký học ngành sư phạm, còn Hà tính hướng ngoại, năng động bạn rất thích ngành nghề liên quan đến lĩnh vực truyền thông và maketting, dự kiến đăng ký học ngành báo chí. Biết được, dự định của hai con, vợ chồng ông Nam phản đối và yêu cầu 2 con đổi lại ngành học cho nhau, vì ông cho rằng, con gái thì học sư phạm cho nhẹ nhàng, ổn định, còn con trai thì nên học những ngành năng nổ, mạnh mẽ một chút. Hỏi, hành vi của vợ chồng Nam có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?
Trả lời:
 Điều 14 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như sau:
“1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật”
Căn cứ quy định trên, thì hành vi của vợ chồng Nam là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Tình huống 7
Anh Thành thường trú tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường yêu chị Quyên thường trú tại phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tháng 12/2023 anh chị có kế hoạch đi đăng ký kết hôn để về chung một nhà. Hiện nay, cả hai đều đang công tác tại thành phố Lai Châu, do khoảng cách từ thành phố Lai Châu về xã Sơn Bình huyện Tam Đường khá xa, không tiện cho việc đi lại cũng như sắp xếp công việc. Anh Thành và chị Quyên muốn biết, họ có thể đăng ký kết hôn tại phường Tân Phong, thành phố Lai Châu (nơi thường trú của vợ) được hay không?
Trả lời:
Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn, như sau:
“Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”.
Vậy, căn cứ khoản 1, Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 thì Anh Thành và chị Quyên hoàn toàn có thể đăng ký kết hôn tại phường Tân Phong, thành phố Lai Châu.
Tình huống 8
Ông Cường thường trú tại thôn Nà Co, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, theo bà con trong thôn kể lại: Từ năm 2010, ông Cường chuyển đến đây và mua đất làm nhà ở một mình không có ai thân thích. Năm 2022, do bị bệnh hiểm nghèo, ông Cường đã qua đời. Hỏi, trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai tử cho ông Cường.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử, như sau:
“1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử”.
Căn cứ quy định trên thì đại diện thôn (trưởng thôn hoặc đại diện lãnh đạo thôn) Nà Co,  xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai tử cho ông Cường.
Tình huống 9
Anh Tùng thường trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình kết hôn với chị Hoa thường trú tại xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, năm 2023, chị Hoa sinh bé đầu lòng, sau khi sinh con, hai vợ chồng anh chị chuẩn bị các giấy tờ để đăng ký khai sinh cho con. Tuy nhiên, do hai người có nơi thường trú khác nhau, do vậy chưa biết đến cơ quan nào để yêu cầu đăng ký khai sinh cho con mình. Hỏi, cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của anh Tùng và chị Hoa?
Trả lời:
Tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 quy đinh về thẩm quyền đăng ký khai sinh, như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”.
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên xác định: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của anh Tùng và chị Hoa là Ủy ban nhân dân xã Bình An, huyện Lâm Bình (nơi cư trú của người cha) hoặc Ủy ban nhân dân xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (nơi cư trú của người mẹ).
Tình huống 10
Anh Kiên và chị Hoà đăng ký kết hôn năm 2000, thường trú tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ. Giấy đăng ký kết hôn của anh Kiên và chị Hòa do Uỷ ban nhân dân xã Huổi Luông cấp. Tuy nhiên, năm 2022, gia đình anh chị không may bị cháy, toàn bộ nhà và tài sản, giấy tờ lưu giữ, trong đó có giấy đăng ký kết hôn của anh chị để trong nhà đều bị cháy. Chị Hòa đến Uỷ ban nhân dân xã Huổi Luông để xin cấp trích lục đăng ký kết hôn thì được Uỷ ban nhân dân xã trả lời không còn lưu giữ được Sổ đăng ký kết hôn năm 2000. Hỏi, trường hợp của anh Kiên và chị Hòa có được đăng ký lại giấy kết hôn không? Và cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký lại kết hôn cho anh Kiên, chị Hòa?
Trả lời:
Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử, như sau:
“Điều 24. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ”.
Như vậy, trường hợp anh Kiên, chị Hòa thường trú tại xã Bình An, giấy đăng ký kết hôn của anh chị được Ủy ban nhân dân xã Bình An cấp trước ngày 01/01/2016, Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất, do đó anh Kiên, chị Hòa được yêu cầu đăng ký lại kết hôn.
Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 25. Thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai tử trước đây thực hiện đăng ký lại khai tử.
Căn cứ quy định trên, anh Kiên và chị Hòa đến UBND xã Huổi Luông (nơi đã đăng ký kết hôn đồng thời là nơi anh chị đang thường trú) để làm thủ tục đăng ký lại kết hôn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay13,677
  • Tháng hiện tại375,499
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,395,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down