Thứ bảy, 21/12/2024, 07:54

Hỏi đáp pháp luật liên quan tới hôn nhân và gia đình

Thứ hai - 13/02/2023 23:05 1.565 0
1. M sắp tròn 17 tuổi, hiện đang ở nhà phụ giúp bố mẹ làm vườn. Bố M ép M kết hôn với một người Đài Loan để có thể cải thiện kinh tế gia đình và muốn cuộc đời M đỡ vất vả. M không đồng ý, kiên quyết phản đối. Mẹ M thương con, cũng không đồng ý với việc làm của chồng. Tuy nhiên, bố M kiên quyết ép M phải kết hôn cho bằng được.
 Bố M có được phép làm như vậy không?
Trả lời:
1. Điều kiện kết hôn
Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nam, nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, gồm:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
M chưa đủ 17 tuổi, như vậy, M chưa đủ tuổi để kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đồng thời một trong những điều kiện kết hôn là việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định.
2. Cấm vi phạm quyền kết hôn
Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn”
Như vậy, việc bố, mẹ ép M kết hôn là vi phạm pháp luật.
3. Xử lý vi phạm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Nếu bố M cố tình cưỡng ép M kết hôn với người Đài Loan thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) quy định:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.
Điều .... Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”.
Người cưỡng ép kết hôn cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
2. H và Th kết hôn với nhau. Th có cửa hàng tại nhà. H làm nghề xây dựng có uy tín nên kinh tế gia đình rất khá giả. Họ có 2 con gái xinh, ngoan và học giỏi. Làm nghề xây dựng nên H thường xuyên phải xa nhà. Th rất tin tưởng và tự hào về chồng. Bất ngờ Th phát hiện ra: những ngày không về nhà H sống với một người con gái khác tên là L ở trên thị trấn. Mâu thuẫn giữa vợ chồng H và Th ngày càng gay gắt. Th đã đến gặp và yêu cầu L chấm dứt chung sống bất hợp pháp với H. L không chấp nhận mà còn tuyên bố: “tôi chẳng làm gì bất hợp pháp. Anh H yêu tôi đến đây sống với tôi thì tôi chấp nhận, tôi có tranh cướp với ai đâu”. Xin hỏi pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?        
Trả lời:
1. Một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.
Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.
2. Cấm vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng
Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:       
Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Như vậy, hành vi của H và L đã vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3. Xử lý vi phạm
Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Nếu H và L không chấm dứt vi phạm pháp luật cả hai người có thể bị xử phạt hành chính.
Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) quy định:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà H và L vẫn cố tình không chấm dứt chung sống, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng - Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
3. K yêu và quyết định sẽ kết hôn với H nhưng Bố của K không đồng ý vì cho rằng ông nội của K và cụ ngoại của H là anh em con chú con bác nên K không thể kết hôn với H.
Gia đình K phát sinh mâu thuẫn, mỗi người một ý kiến, người thì ủng hộ K, người lại bảo bố của K nói như vậy là đúng.
Xin hỏi: theo quy định của pháp luật, K và H có được kết hôn với nhau không? Nếu được kết hôn mà bố K vẫn cản trở thì xử lý thế nào?
Trả lời
Nếu K và H đều đã đủ tuổi kết hôn và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì  K và H được kết hôn với nhau. Quan hệ giữa gia đình K và H  không thuộc điều cấm kết hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Điều kiện kết hôn
Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nam, nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, gồm:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Khoản 12 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích “Những người cùng dòng máu về trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội và cháu ngoại”;
Khoản 13 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba”
K và H không thuộc trường hợp Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm kết hôn. Như vậy, K và H có quyền kết hôn với nhau. Mọi hành vi cản trở việc kết hôn giữa K và H với lý do vì 2 người có quan hệ họ hàng là vi phạm pháp luật.
2. Cấm vi phạm quyền
Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
3. Xử lý vi phạm
Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Nếu bố của K cố tình cản trở hôn nhân của K và H thì ông có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều .... Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”.
Người cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay8,210
  • Tháng hiện tại209,506
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,637,299
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down