Tháng 3/2023, UBND xã A xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Trong báo cáo kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, UBND xã A đánh giá đạt Tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 do trong năm 2022 xã A được UBND cấp huyện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hỏi UBND xã A đánh giá đạt Tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật" do trong năm 2022 xã A được UBND cấp huyện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời:
UBND xã A đánh giá đạt Tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật" do trong năm 2022 xã A được UBND cấp huyện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là sai, vì:
Tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 thì Tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao có 03 nội dung, đó là: (1) Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận; (2) Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành; (3) Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Theo đó, trong báo cáo đánh giá của UBND xã A về Tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật" thì phải đánh giá kết quả đạt được của 03 nội dung: (1) Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận; (2) Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành; (3) Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, chứ không phải đánh giá về kết quả thực hiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như UBND xã A đã đánh giá trong báo cáo.
Ý kiến bạn đọc