Thứ năm, 02/01/2025, 15:29

PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN PBGDPL THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ

Chủ nhật - 22/03/2020 08:50 1.095 0
Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoà giải khác với tuyên truyền miệng về pháp luật ở chỗ chỉ khi nào có vụ việc vi phạm pháp luật hoặc tranh chấp nhỏ xảy ra thì Hoà giải viên mới có lý do để tiến hành hoà giải và kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp và những người có liên quan. Vì vậy, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở đây là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (Hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp và những người khác) với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật xác định, gắn liền với từng tranh chấp cụ thể... Do đó, Hòa giải viên có thể lựa chọn phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tương.
Để thực hiện tốt phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, Hoà giải viên cần thực hiện các bước sau đây:
       Bước 1. Trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật  .
        - Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, Hòa giải viên phải có mặt kịp thời nắm rõ nội dung tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp để thực hiện công tác hoà giải. Việc nắm rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp sẽ tạo điều kiện để Hoà giải viên có phương pháp hoà giải đúng, vận dụng, viện dẫn, các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp xảy ra đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình đúng hay sai, vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật…để các bên hiểu và tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.
          Trong khi tiến hành hòa giải, trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu về cung cấp, giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn này để họ nghiên cứu, xem xét thì Hoà giải viên giúp đỡ, hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp hiểu đúng tinh thần của văn bản pháp luật. Nếu gặp những vấn đề khó, Hoà giải viên cần hỏi ý kiến các chuyên gia, cán bộ Tư pháp…đảm bảo sao cho các quy định pháp luật, quy phạm đạo đức vận dụng vào vụ việc tranh chấp là đúng, chính xác. Trong bước này, Hoà giải viên có thể khéo léo lồng ghép với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ giúp họ hiểu đúng và tự giác thực hiện pháp luật. Ví dụ : Đối với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình liên quan đến thừa kế, Hòa giải viên phải xem xét các quy định của Bộ Luật Dân sự liên quan đến thừa kế như quyền thừa kế của cá nhân, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người hưởng thừa kế; giá trị của di chúc; thủ tục lập di chúc, những quy định của thừa kế theo pháp luật;...thông qua các quy định này Hòa giải viên khéo léo kết hợp với việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật gắn với việc thực, người thực nên dễ đi vào lòng người và rất có hiệu quả.
          - Bước 2.: Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp..
          Sau khi nắm rõ nội dung tranh chấp, Hoà giải viên cần tìm hiểu xem quan hệ tranh chấp này được văn bản pháp luật nào điều chỉnh? Đây là một công việc khó, đòi hỏi Hoà giải viên phải lựa chọn đúng điều luật để áp dụng vào vụ việc tranh chấp này. Nếu lựa chọn sai điều luật điều chỉnh có thể dẫn đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật không đúng và chắc chắn là việc hoà giải các bên tranh chấp không thành công. Vì thế, để lựa chọn các văn bản pháp luật phù hợp Hoà giải viên phải căn cứ vào tính chất của tranh chấp. Ví dụ : Đối với các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp, Hoà giải viên phải lựa chọn, áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết các vấn đề đặt ra.
         - Đối với tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cá nhân, các gia đình trong quan hệ xóm giềng liên quan đến sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ thì hòa giải viên phải xem xét các quy định của Bộ Luật dân sự về tài sản và quyền sở hữu tài sản, về quyền sở hữu chung của cộng đồng; nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản; quyền mắc đường dây tải điện, quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác...
          Ở bước này, khi đã rõ văn bản điều chỉnh cho vụ tranh chấp này, Hoà giải viên tổ chức cho các bên tranh chấp gặp nhau để thảo luận, giải quyết tranh chấp. Lúc này Hoà giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về vấn đề mà các bên đang tranh chấp cần biết, cần hiểu để họ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật. Đây không phải là công việc dễ dàng bởi rất nhiều quy định trong văn bản pháp luật còn chung chung, khó hiểu hoặc hiểu theo nhiều cách khác nhau. Bởi vậy, Hòa giải viên phải lưu ý các vấn đề sau:
        + Ưu tiên áp dụng quy định trong văn bản có giá trị pháp lý cao;
        + Không nên giải thích pháp luật theo suy diễn chủ quan của mình.
        Trong trường hợp gặp những quy định pháp luật khó hiểu, hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp luật để được hướng dẫn, giải thích đúng và đầy đủ.
        - Bước 3. Hòa giải viên cần gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải kết hợp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình.
         Khi gặp gỡ từng bên tranh chấp, Hòa giải viên cần lựa chọn thời điểm thích hợp để trao đổi, hướng dẫn thuyết phục các bên tranh chấp, việc lựa chọn thời điểm thích hợp có thể vào buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ,...sẽ tạo tâm lý thỏa mái giúp họ dễ tiếp thu ý kiến đóng góp và bình tĩnh phân tích sự việc hơn. Trong quá trình trao đổi, Hòa giải viên phải kiên nhẵn lắng nghe ý kiến, hiểu tâm lý của các bên tranh chấp, cố gắng không dùng lời lẽ khó hiểu, thuật ngữ pháp lý chuyên ngành mà bằng lời giải thích pháp luật giản đơn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, sau cùng dùng lời lẽ phân tích cho họ thấy các quy định của pháp luật liên quan đến tranh chấp, để mỗi bên tranh chấp nhận thức được cái đúng, cái sai của mình và đi đến phương án giải quyết phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân.
          Trong trường hợp cần thiết Hòa giải viên có thể cung cấp cho đối tượng những thông tin chính xác để xóa bỏ những quan điểm lệch lạc, sai trái, phiến diện, giúp đối tượng hiểu đúng, lựa chọn đưa ra những quyết định cụ thể, đúng đắn phù hợp với pháp luật. Trường hợp, một trong hai bên tranh chấp có thái độ gay gắt, nóng nảy, bất hợp tác, hòa giải viên phải bình tĩnh, lắng nghe ( không ngắt lời, khó chịu, sốt ruột...), giữ thái độ bình tĩnh, đúng mực, tỏ ra thông cảm, quan tâm đến yêu cầu của đối tượng...đồng thời, lựa chọn phương án xử lý linh hoạt, tiếp tục hòa giải hay để vào dịp khác nhằm giải tỏa không khí bớt căng thẳng mà mục tiêu của  hòa giải vẫn đạt được. 
          Trong trường hợp, khi hòa giải nếu có những quy định pháp luật khó hiểu, Hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về các vấn đề đang tranh chấp, lấy ví dụ minh hoạ, liên hệ với những sự việc đã xảy ra ở địa phương mà các bên tranh chấp cũng biết rõ. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Hòa giải viên có thể nêu các phương án giải quyết của mình để các bên tham khảo.
       - Bước 4. Tổ chức cho các bên tranh chấp gặp gỡ để thảo luận với nhau việc giải quyết tranh chấp.
       Sau khi gặp gỡ từng bên, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của các bên về việc giải quyết tranh chấp, Hòa giải viên tổ chức cho các bên gặp nhau để thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp.
       Khi tiến hành hòa giải các bên tranh chấp, Hòa giải viên cố gắng duy trì không khí hiểu biết, thái độ hợp tác của họ. Để tạo thuận lợi cho việc hòa giải, Hòa giải viên có thể nêu từng vấn đề đang tranh chấp và đề nghị từng bên cho ý kiến giải quyết. Tùy điều kiện cụ thể, Hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về các vấn đề các bên đang tranh chấp để các bên hiểu và có thể áp dụng  giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Hòa giải viên có thể nêu các phương án giải quyết của mình để các bên tham khảo. Khi các bên thống nhất được cách thức giải quyết tranh chấp, nếu cần thiết, Hòa giải viên có thể giúp các bên tranh chấp lập văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên làm cơ sở cho việc thi hành sau này.
       Như vậy, trong khi tiến hành hòa giải các bên tranh chấp, Hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh những quy định mấu chốt của pháp luật nếu các bên tranh chấp nghiêm chỉnh trong ứng xử của mình thì sẽ tránh được tranh chấp xảy ra. Đồng thời, qua đó các bên tranh chấp và những người có liên quan có thể được nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật từ đó hạn chế những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ xảy ra./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down