Thứ năm, 28/03/2024, 16:27

Nhận cha và đổi họ cho con ngoài giá thú

Thứ ba - 09/11/2021 20:56 2.176 0
Tôi sinh con ngoài giá thú với anh H khi cả hai bên gia đình chưa làm đám cưới và chúng tôi cũng chưa đăng ký kết hôn nên khi đăng ký khai sinh cho con phần khai về người cha bỏ trống và cháu mang họ của mẹ.

Vừa qua, anh H muốn làm thủ tục cha nhận con để cháu có cha và mang họ theo họ của anh, tuy nhiên chưa kịp làm thủ tục thì anh H bị tai nạn giao thông mất. Hiện nay, con tôi đã được 5 tuổi. Xin hỏi tôi làm thế nào để con có bố và mang họ theo họ của bố trong Giấy khai sinh của cháu? Thủ tục được quy định như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp của chị, để con chị có thông tin về người cha và được đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ bố thì trước hết chị phải làm thủ tục nhận cha cho con của chị.

Theo quy đinh tại Khoản 1, Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết” .

Tại khoản 1, Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: 

“Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này (không có tranh chấp).

Như vậy, theo các quy định này thì con chị có quyền nhận cha (kể cả trường hợp người cha đã chết). Do con chị là người chưa thành niên nên chị sẽ là người có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết thủ tục con nhận cha theo quy định.

Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

“Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con”.

Về thủ tục đăng ký con nhận cha được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch, như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu  việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như sau:

“Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Sau khi được cấp trích lục đăng ký con nhận cha, chị cần làm thủ tục bổ sung phần khai về người cha (anh H) trong Giấy khai sinh của con theo quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch, như sau:

“1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.”

Như vậy, sau khi thực hiện xong thủ tục bổ sung phần khai về người cha thì bản chính Giấy khai sinh của con chị sẽ có đầy đủ các thông tin: Họ và tên cha và các thông tin khác có liên quan theo quy định.

Về việc thay đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ cha, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “ 1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

Như vậy, theo quy định này thì chị có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho con chị từ họ của mẹ sang họ của bố.

Về thủ tục đăng ký thay đổi họ được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Như vậy, theo quy định trên thì chị cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của con chị và Trích lục đăng ký con nhận cha.

Về thẩm quyền đăng ký thay đổi họ, tên được quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch, theo đó chị chuẩn bị hồ sơ nêu trên và đến UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của chị để được xem xét giải quyết.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay12,254
  • Tháng hiện tại322,190
  • Tháng trước314,464
  • Tổng lượt truy cập3,985,987
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down