Thứ bảy, 20/04/2024, 06:32
hoagiaiocoso

Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp quản lý, định đoạt tài sản của con chưa thành niên

Thứ bảy - 04/03/2023 03:46 1.327 0
Năm 2010, bố chồng tôi mất có để lại thừa kế cho con trai tôi số tiền 100 triệu đồng. Khi đó con trai tôi mới 12 tuổi, nên vợ chồng tôi quyết định gửi số tiền đó vào ngân hàng, đến khi cháu trưởng thành thì giao lại cho cháu. Sau khi thi trượt đại học năm 2015 vừa qua, cháu cùng một số bạn học có ý định mở cửa hàng kinh doanh. Cháu đã đề nghị vợ chồng tôi đưa lại toàn bộ số tiền mà ông nội cho để góp vốn. Nghe cháu trình bày về kế hoạch kinh doanh, vợ chồng tôi nhận định lĩnh vực kinh doanh này cần nguồn vốn lớn, tính rủi ro cao và với sự hạn chế về kiến thức cũng như các kỹ năng quản lý của con tôi và các bạn của cháu thì nguy cơ thua lỗ là điều không tránh khỏi, nên vợ chồng tôi không đồng ý giao lại số tiền trên cho cháu. Tuy nhiên, con tôi không hiểu, nên nhất quyết đòi chúng tôi trả số tiền đó.
 Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về trường hợp quản lý, định đoạt tài sản của con chưa thành niên vì hiện nay, con trai tôi mới hơn 17 tuổi?

Trả lời:
Thứ nhất, về quyền có tài sản riêng của con
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người con trong quan hệ hôn nhân gia đình, theo quy định tại Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con
Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Thứ hai, về việc quản lý tài sản riêng của con
Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ về vấn đề quản lý tài sản riêng của con, cụ thể:
-  Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
-  Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Thứ ba, về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên
Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau:
- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
-  Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
-  Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
Như vậy, trong trường hợp này, hiện nay con của chị đã hơn 17 tuổi, cháu có quyền quản lý tài sản của mình. Tuy nhiên, do cháu chưa đủ 18 tuổi nên khi cháu cần tài sản đó để góp vốn kinh doanh thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của bố mẹ tức là của hai vợ chồng chị. Vợ chồng chị cũng nên giải thích các quy định của pháp luật để cháu hiểu, đồng thời có thể tham gia góp ý, hỗ trợ để xây dựng kế hoạch kinh doanh khác phù hợp và khả thi hơn với lứa tuổi của cháu.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay10,656
  • Tháng hiện tại245,454
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,265,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down