Thứ bảy, 21/12/2024, 07:28

Công bằng cho con

Chủ nhật - 11/12/2022 11:36 657 0

Mấy tuần nay, xóm nhỏ này “rung động” về việc cháu Thanh con bà Bình bị bán sang biên giới và may mắn đã được giải cứu trở về. Cơ quan có thẩm quyền đã bắt được 2 kẻ cầm đầu đưa cháu bé sang biên giới. Nghe tin Tòa án sắp xét xử vụ án của con mình, gia đình bà Bình đứng ngồi không yên. Mừng là vì đã bắt được bọn buôn bán người, còn lo lắng vì tâm lý con gái bà chưa ổn định từ hôm được giải cứu trở về, không biết có thể tham gia phiên tòa được hay không. Bà Bình tìm đến ông Quang, một thẩm phán đã về hưu để tìm hiểu:

Ông Quang: Sao cháu Thanh lại bị bắt bán sang biên giới hả cô?

Bà Bình (sụt sùi): Khổ lắm bác ơi, con tôi bị chúng nó bắt cóc qua biên giới. Cũng tại nhà tôi điều kiện kinh tế khó khăn, cháu Thanh lại là con lớn trong nhà, mới 16 tuổi nhưng đã phải nghỉ học đi làm thêm phụ gia đình. Hai tháng trước, cháu cùng đứa bạn xin việc làm thêm tại quán ăn rồi quen một bà. Lân la nhiều lần, chúng nó bị bà ấy lừa bán sang bên kia biên giới. May thay, chúng nó kịp chụp ảnh bị giam giữ rồi gửi qua facebook nên mới kịp giải thoát bác ạ.

Ông Quang: Cô bình tĩnh. May mà các cháu đã về đến nhà. Bây giờ điều quan trọng nhất là ổn định tinh thần cho các cháu.

Nghe ông Quang nói đến đây, bà Bình lại càng sốt sắng, nhớ đến mục đích mình đến gặp ông Quang.

Bà Bình: Vâng, hôm nay tôi cũng đến hỏi ý kiến bác về vấn đề này đây. Từ hôm được trở về đến giờ, cái Thanh nhà tôi nó bị hoảng loạn, đang ngồi yên tự dưng lại giật mình thon thót, lúc nào cũng sợ hãi, ai đến hỏi thăm cũng trốn biệt vào góc phòng, không muốn ai đến gần. Thật sự nhìn con như thế  đau xót vô cùng bác ạ.

Ông Quang: Tôi hiểu hoàn cảnh của chị. Các cháu cũng mới 15, 16 tuổi nên tinh thần càng dễ bị xáo trộn, theo tôi, chị nên cho cháu đi khám sức khỏe để bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị cho cháu. Việc tiếp xúc với cháu cũng không nên vội vàng quá. Gia đình cứ bình tĩnh, nhẹ nhàng cho cháu hòa nhập đã rồi hỏi han sau. Người lớn mà bị bắt cóc cũng hoảng loạn huống hồ con trẻ. Quan trọng là gia đình phải luôn bên cạnh, chăm sóc, động viên cháu thì cháu mới nhanh trở lại với cuộc sống bình thường.

Bà Bình: vâng, tôi cũng đưa cháu đi đến bệnh viện khám rồi, may là cháu bị đánh đập nhưng chưa bị xâm hại ạ.

Ông Quang: Cái này ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh ghê lắm, gia đình chị phải thật quan tâm theo dõi để giải tỏa sợ hãi cho cháu.

Bà Bình: Dạ, tôi nghe bác. Hôm nay tôi cũng có một chuyện muốn xin ý kiến bác.

Ông Quang: Chị nói đi.

Bà Bình: Tôi có nghe thông báo là sắp xét xử vụ án mua bán người này. Mà cái Thanh nhà tôi tinh thần đang hoảng loạn như thế này làm sao cháu có thể tham dự phiên tòa được ạ?

Ông Quang: Hiện nay, ở một số địa phương đã xây dựng Tòa gia đình và người chưa thành niên được tổ chức theo mô hình Tòa án chuyên trách; là một bộ phận nằm trong cơ cấu tổ chức tại Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương để nhằm mục đích bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi. Phòng xét xử khác hoàn toàn so với các phòng xét xử khác và còn được mọi người gọi với một cái tên khác là Phòng xét xử thân thiện.

Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, việc xét xử đã có các quy định cụ thể, chị có thể yên tâm.

Bà Bình: Bác cho tôi hỏi, vụ án này có xét xử như mấy vụ án vẫn hay xử lưu động ở xã mình không bác?

Ông Quang: Tòa án nhân dân tối cao đã có quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Toà án gia đình và người chưa thành niên, đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín và không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

 Bà Bình: Thế ạ. Nhưng mà nói thật với bác, tôi sợ con tôi mà gặp lại mấy tên cầm đầu kia lại hoảng sợ rồi ảnh hưởng tinh thần bác ạ!

Ông Quang: Bà yên tâm, Điều 10 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo như thế này: “ 1. Trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp sau đây:

Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;

Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi;

Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.

Như vậy đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án sẽ cách ly người bị hại và bị cáo. Nên Toà án khi xét xử sẽ phải cách ly cháu Thanh và các bị cáo.

Bà Bình: Như thế cháu nó có phải tham gia phiên tòa không bác?

Ông Quang: Có chứ. Cách ly với phòng xử án thôi nhưng vẫn phải tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cháu sẽ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho cháu có thể theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Bà Bình: Bác cho tôi hỏi nốt, thế trong phòng cách ly, có những ai được vào cùng cháu ạ ?

Ông Quang: Sẽ có người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

Bà Bình: Vâng, cảm ơn bác! Nhưng mà tôi không biết giờ nhờ luật sư ở đâu nữa. Bác chỉ cho tôi với.

Ông Quang: Tòa án sẽ thông báo cho bà biết và lựa chọn người bảo vệ hợp pháp cho con mình, đó có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Hoặc trường hợp cô không lựa chọn được thì làm đơn đề nghị thì Tòa án sẽ yêu cầu đoàn luật sư hoặc trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc ủy ban mặt trận tổ quốc cử người bào chữa.

 Bà Bình: Vâng, thế thì tốt quá rồi ạ. Tôi cảm ơn bác, cũng may hôm nay gặp được bác ở đây, chỉ cho tôi nhiều kiến thức. Sau này, có gì tôi xin được nhờ bác giúp đỡ ạ và chỉ dẫn! Giờ tôi xin phép về để nói cho cháu Thanh hiểu, không cháu nó nghĩ đến việc gặp những người kia tại Toà án lại sợ hãi.

Ông Quang: Tôi cũng từng làm việc ở Tòa án nên tôi biết rõ các quy định. Giúp được chị có thêm hiểu biết về quá trình xét xử của Toà án cũng là trách nhiệm của tôi. Thôi chị về đi, còn chăm cháu.

Bà Tình: Dạ vâng, cám ơn bác, chào bác tôi về!

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down