Mấy năm gần đây, gia đình con trai bà Lợi từ nơi xa quay về quê hương. Mảnh đất của bà được con trai sử dụng đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả và cho thu nhập khá tốt và xin mẹ lại phần đất đã cho ông Dũng mượn mấy chục năm trước để quy hoạch lại làm VAC.
Khi bà Lợi nói với ông Dũng trả lại đất thì ông Dũng không đồng ý trả lại và nói với "đất của trời chứ không của ai". Sau đó ông Dũng tiếp tục đầu tư thêm máy dệt để sản xuất. “Tôi đã dựng xưởng, làm nhà mấy chục năm rồi, mảnh đất này ngày trước có cho cũng chả ai lấy, tít ngoài rìa làng. Nay tôi đang làm ăn tốt, tôi không bao giờ trả, muốn đòi ai thì đòi, đến đâu thì đến…”
Câu chuyện ngày càng căng thẳng. Nắm được các tình tiết trên, các thành viên tổ hoà giải đã tổ chức mời hai bên đến địa điểm làm việc của xóm để hoà giải. Tại buổi làm việc, lúc đầu ông Dũng vẫn một mực không đồng ý trả lại đất cho bà Lợi, nói rằng đất hồi đó như đất hoang, ai thích thì làm, còn ông đã làm từ bấy đến nay thì ông vẫn cứ làm tiếp, không cần thiết là đất của ai. Bà Lợi thì kiên quyết đòi lại đất, cho rằng ông Dũng như vậy là lừa lọc, bội nghĩa, không nói chuyện tình cảm gì nữa.
Trước tình hình đó, các thành viên tổ hoà giải thay nhau kiên trì phân tích: về pháp luật, thì đất của bà Lợi đã được cấp có thẩm quyền giao hợp pháp, có sổ đỏ, việc bà Lợi đòi lại đất trước đây cho ông Dũng mượn là đúng pháp luật, được Nhà nước bảo vệ. Ông Dũng cố tình giữ đất mượn là vô lý và trái pháp luật, vi phạm quyền của chủ sử dụng đất hợp pháp.
Việc làm của ông Dũng đã vi phạm pháp luật về đất đai của Nhà nước và gây bất hoà giữa hai bên, gây mất ổn định của thôn xóm. Về khía cạnh đạo đức, tổ hoà giải cũng phân tích để ông Dũng thấy đáng lẽ ông phải cảm ơn lòng tốt của người đã cho mình mượn đất, tạo điều kiện cho gia đình mình làm ăn khi khó khăn, đến nay kinh tế gia đình đã phát triển, vì vậy mà ông cần có cách cư xử phù hợp, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, hơn nữa giữa nhà bà Dũng và bà Lợi còn có chút họ hàng. Nếu không trả đất, bà Lợi khiếu kiện ra toà thì ông Dũng không những phải trả lại đất mà còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm dụng đất, phá hoại sản xuất của người khác, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết xóm làng và anh em trong dòng họ.
Qua phân tích cả tình và lý, ông Dũng đã nhận thấy sai lầm của mình và xin cho thời gian để trả lại đất cho bà Lợi. Tuy nhiên, tổ hoà giải cũng nói với bà Lợi và con trai cân nhắc, vì nhà ông Dũng cũng đã đầu tư khá nhiều vào việc làm xưởng, nếu lấy lại thì ông DŨng phải xây dựng lại ở nơi khác rất tốn kém và mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới công việc hiện tại, nên chăng hai gia đình xem xét và cân nhắc vấn đề thuê đất để không làm thiệt thòi cho cả hai bên.
Bà Lợi, ông Dũng và con trai bà Lợi cuối cùng đã đi đến thống nhất ông Dũng tiếp tục sản xuất nhà xưởng trên đất nhà bà Lợi, ông Dũng sẽ tìm mảnh đất khác phù hợp để con trai bà Lợi tiếp tục làm mô hình VAC
Qua vụ việc trên cho thấy, có những vụ việc tranh chấp xảy ra không phải do không hiểu biết mà là do một bên tranh chấp đã tỏ ra coi thường pháp luật, coi thường lợi ích của người khác, dẫn đến cố chấp. Để thực hiện công tác hòa giải có kết quả cao, các hòa giải viên ngoài việc cần nắm vững các quy định của pháp luật, còn phải nắm được cả thái độ tâm lý của đương sự, biết cách khai thác các điểm yếu trong họ, khơi gợi lương tâm, đạo đức để giúp họ thoát ra sự cố chấp, coi thường kỉ cương pháp luật
Ý kiến bạn đọc