Xin hỏi chồng có quyền gây áp lực, ngăn cấm vợ tham gia các hoạt động?
Năm 2009, anh A và chị B kết hôn với nhau. Hai anh chị có một con chung. Anh chị rất hạnh phúc vì có công việc ổn định. Tuy nhiên anh A là người rất gia trưởng nên đi làm về anh không làm gì đỡ chị B cả. Anh chỉ ngồi đọc báo hoặc xem ti vi. Từ khi đi làm về, Chị B làm hết việc nhà, nấu cơm cho gia đình, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa. Chị B rất bực mình nhưng hễ nói, anh A lại gạt đi bảo: “Đó không phải là việc của anh, phụ nữ phải lo việc nội trợ con cái”. Cuối năm 2015, cơ quan chị B cho chị đi tu nghiệp ở nước ngoài 01 tháng để nâng cao trình độ nên chị B rất muốn đi. Chị về nói chuyện với anh A nhưng anh A không đồng ý vì không có ai chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Chị B nài nỉ chồng và bảo đã nhờ được bà ngoại lên trông con cho một tháng nhưng anh A vẫn không đồng ý. Anh đã đến cơ quan chị B đề nghị Giám đốc của chị là không đồng ý cho chị đi.
Xin hỏi, hành vi của anh A có vi phạm pháp luật không ?
Trả lời
Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan” và khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau:
“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình”.
Điều đó có nghĩa là anh A và chị B đều bình đẳng với nhau trong mọi công việc kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Anh A có trách nhiệm và nghĩa vụ giúp đỡ chị B trong công việc của gia đình và chăm sóc con cái.
Ở nước ta hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại nên có những ông chồng coi việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái là của người phụ nữ nên họ không chia sẻ công việc nhà với vợ. Mọi công việc cứ đổ dồn cho người vợ. Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay đã quy định rõ vợ chồng bình đẳng nhưng các ông chồng vẫn mang nặng tính gia trưởng, chưa thay đổi được tư tưởng cổ hủ này. Anh A cũng là một người như vậy, theo anh, vợ anh có nghĩa vụ chăm sóc con cái và công việc nhà.
Còn về việc học tập của chị B, anh A có hành động như vậy là trái với quy định tại Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Khoản 3 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ”. Anh A có nghĩa vụ tạo điều kiện để vợ được đi học nâng cao trình độ, chứ không được ngăn cấm và gây áp lực cho chị B.