Thứ ba, 16/04/2024, 01:05
hoagiaiocoso

Đã nhận nuôi con nuôi thì có được gửi trả lại không?

Thứ tư - 12/04/2023 23:23 647 0

Vợ chồng tôi cưới nhau đã 7 năm nhưng không có con nên chúng tôi đã nhận một bé trai là con của em gái tôi làm con nuôi (theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và đã được UBND xã công nhận). Sau khi nhận nuôi con nuôi một thời gian, đến nay con nuôi của chúng tôi đã được 5 tuổi. Vừa qua, vợ chồng tôi chúng tôi đã sinh được một bé gái. Vì đã có con do chính mình sinh ra nên vợ chồng tôi muốn trả lại đứa con nuôi cho cha mẹ đẻ của nó (là em gái của tôi). Đề nghị cho chúng tôi biết: việc gửi trả này có được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết? 

Trả lời:

- Khoản 1, khoản 2, khoản Điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định:

“1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

2. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

3. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”.

- Điều 25 Luật Nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này (thực hiện các hành vi bị cấm trong việc nhận nuôi con nuôi, cụ thể là: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc)”.

- Khoản 5 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”.

- Điều 361 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định phạm vi áp dụng: “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì trường hợp của anh/chị không thuộc vào một trong bốn trường hợp để có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo Luật Nuôi con nuôi. Tuy nhiên, nội dung anh/chị muốn giải quyết thuộc quan hệ dân sự, do đó vợ chồng anh/chị có thể trực tiếp trao đổi, bàn bạc với cha mẹ đứa trẻ về việc nhận lại con đẻ của mình, nhằm giảm bớt khó khăn cho bạn. Sau đó, anh/chị có thể gửi đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh/chị cư trú để được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay5,249
  • Tháng hiện tại191,654
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,212,040
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down