Thứ sáu, 19/04/2024, 07:29
hoagiaiocoso

Xét xử vụ án ly hôn vắng mặt bị đơn

Thứ tư - 10/11/2021 03:55 2.039 0
Tôi tên là S, tôi sinh ra ở huyện H. Do không còn tình cảm với chồng nữa, tôi đã làm đơn khởi kiện ly hôn ra Tòa án nhân dân huyện nơi cư trú của chồng tôi. Tòa án đã 02 lần gọi vợ chồng tôi lên để giải quyết vụ việc nhưng cả 2 lần anh ấy đều cố tình không đến.Theo ý kiến của cán bộ tòa án phụ trách vụ ly hôn của tôi thì nếu như chồng tôi không hợp tác thì dù tôi có đi hàng trăm lần cũng không giải quyết được vấn đề gì. Anh cán bộ tòa án còn nói nếu sau này tôi muốn lấy ai thì cứ lấy, còn tạm thời bây giờ chưa có ai thì cứ ở vậy đã. Đến khi anh ta muốn đi lấy vợ thì anh ta sẽ phải tự tìm đến tôi, khi đó, vụ việc ly hôn của 2 người sẽ được giải quyết tại tòa án nhân dân huyện T nơi tôi cư trú. Anh cán bộ tòa án đọc cho tôi viết Đơn xin rút đơn khởi kiện ly hôn vì cán bộ nói với hoàn cảnh của gia đình tôi như thế thì rút đơn sẽ đỡ tốn nhiều loại chi phí.
Tôi muốn hỏi: Khi đã không có sự hợp tác để ly hôn của chồng tôi thì tôi mới phải ly hôn đơn phương, vậy sao tòa án huyện vẫn nói là không có sự hợp tác của chồng tôi thì sẽ không giải quyết được?
1. Về quyền đơn phương yêu cầu giải quyết ly hôn
Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;……………..”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp của bạn thì bạn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú, làm việc giải quyết ly hôn.
2. Về việc giải quyết ly hôn khi vắng mặt bị đơn
Khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.
Về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định gồm vụ án:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp vụ án có bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì được xem là vụ án không tiến hành hòa giải được. Khi đó, Tòa án sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xem xét, quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Bên cạnh đó, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo các quy định tại Điều 227 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nếu bị đơn, người đại diện của họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Việc hoãn phiên tòa sẽ được Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu bị đơn, người đại diện của họ vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, cũng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện nơi cư trú của chồng bạn giải quyết ly hôn. Trong trường hợp đã được Tòa án 02 lần triệu tập hợp lệ đến để giải quyết vụ án nhưng anh ấy đều cố tình không đến thì Tòa án vẫn có thể xem xét tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bị đơn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập60
  • Hôm nay10,053
  • Tháng hiện tại231,689
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,252,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down