Thứ năm, 12/09/2024, 12:32

Chế độ khi phải nghỉ việc để chăm sóc con bị COVID-19

Thứ năm - 03/03/2022 03:21 1.746 0
Gia đình tôi có 3 người bị Covid cách ly tại nhà nên vợ tôi phải nghỉ việc để chăm con. Xin hỏi các anh chị, vợ tôi nghỉ việc như vậy thì được chế độ gì, mức hưởng cụ thể như thế nào?

Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi đáp ứng điều kiện như sau:

“1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền”.

Như vậy, người lao động là công dân Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được quy định tại Điều 27 của Luật này. Đó là:

“1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.

Hướng dẫn cụ thể về nội dung này, theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 19/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, “thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động”.

Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, theo điểm a khoản này, “thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Bảo hiểm xã hội”.

Căn cứ quy định nêu trên, thời gian tối đa vợ của bạn nghỉ việc trong một năm để chăm cho mỗi con bị COVID-19 là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Cũng cần lưu ý, theo điểm b của khoản này, “trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Bảo hiểm xã hội”.

Có nghĩa là, nếu bạn cũng là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con, bạn cũng được hưởng chế độ khi con ốm đau như vợ của bạn, thời gian tối đa tính cho mỗi con là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, cụ thể trong trường hợp bạn cần tư vấn là chế độ khi con ốm đau, khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó”.

Theo đó, mức mức hưởng chế độ ốm đau được tính như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

x 75 (%) x

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau

24 ngày

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập60
  • Hôm nay16,027
  • Tháng hiện tại184,186
  • Tháng trước395,163
  • Tổng lượt truy cập6,111,526
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down