Em họ tôi không may bị nhiễm COVID-19. Mặc dù gia đình em tôi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh nhưng một số người dân sống gần đó vẫn có biểu hiện kỳ thị, xa lánh, đưa tin không chính xác về gia đình anh tôi. Trong trường hợp này, pháp luật nước ta quy định như thế nào?
Trả lời
Dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Trong khi cả nước đồng lòng chống dịch thì cũng còn không ít trường hợp tỏ ra kỳ thị với những người nghi ngờ, người nhiễm COVID-19 bằng những biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Hành vi kỳ thị này là vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Một trong những hành vi kỳ thị phổ biến trong xã hội là tung tin thất thiệt về người mắc COVID-19 hoặc người trở về từ vùng dịch, từ đó khiến cộng đồng xa lánh hoặc có cử chỉ, lời nói thô bạo gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Theo đó: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp. Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật.
Nếu người có hành vi xúc phạm, kỳ nghiêm trọng đối với người khác đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác, với mức phạt từ cao nhất lên đến 5 năm tù. Cụ thể, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội làm nhục người khác quy định:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ý kiến bạn đọc