Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
Anh Trần Văn S là sinh viên năm 3 trường Đại học Q. Do mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải học hành, anh S đến xin việc tại công ty công nghệ G với công việc vận chuyển, giao hàng. Công ty công nghệ G yêu cầu anh S nộp hồ sơ kèm theo phiếu lý lịch tư pháp số 1.
Hỏi: Anh S có thể uỷ quyền cho bố, mẹ mình thay mình nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 không? Và anh S có phải nộp phí như thế nào khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp?
Trả lời: Khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:
“Điều 45. Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1… 3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền”. Điều 4 Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định: “Điều 4. Mức thu phí Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau:
1. Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.
2. Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người. Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp”. Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, anh S có thể uỷ quyền cho bố, mẹ mình thay mình nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; và không cần văn bản uỷ quyền. Anh S là sinh viên nên mức thu phí khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là 100.000 đồng/lần.