Thứ năm, 28/03/2024, 12:45

Mức xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thăm nom con

Thứ ba - 18/10/2022 22:56 184 0
Anh B và chị M đã ly hôn, theo quyết định của Tòa án thì chị M được quyền nuôi con trai chung của hai người (cháu bé 4 tuổi). Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi khi anh B đến thăm con thì chị M cố tình gây khó dễ, viện lý do khi thì cho con đi chơi, khi thì cháu đang ở bên ngoại… Anh B rất khó để gặp được con. Anh đề nghị cho biết: pháp luật quy định về quyền được thăm nom con sau khi ly hôn như thế nào? Nếu vi phạm quyền được thăm nuôi con bị xử phạt như thế nào? Phải làm gì để bảo vệ quyền được thăm nom con sau ly hôn?

Trả lời:

- Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, cụ thể: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

- Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.

- Điều 31 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự) quy định:

“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

e) Ngày, tháng, năm làm đơn;

g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung nêu trên, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu”.

- Khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự) quy định về thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện:

“a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác”.

Theo quy định trên, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con. Trường hợp người trực tiếp nuôi con có hành vi ngăn cản việc thăm nom giữa cha/mẹ với con thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, để bảo vệ quyền thăm nom con của mình, anh B làm đơn yêu cầu thi hành án gửi Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền nêu tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và Khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay12,111
  • Tháng hiện tại320,199
  • Tháng trước314,464
  • Tổng lượt truy cập3,983,996
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down