Thứ bảy, 21/12/2024, 10:08

“Cháu không muốn ở với bố mẹ nữa…”

Thứ ba - 05/09/2023 04:27 470 0

Buổi chiều đông, ông Toàn như mọi buổi chiều, ra đầu ngõ đánh cờ. Hôm nay các bạn cờ có vẻ ra muộn hơn mọi ngày, ông thong thả ngồi xuống và ngắm dòng người đi lại.

Trong khung cảnh náo nhiệt của phố phường, ông Toàn để ý một cậu bé mang đồng phục học sinh, đeo ba lô, dường như đi học về, chầm chậm bước trên vỉa hè. Cậu bé dáng vẻ rất buồn bã, ôm đầu nghĩ ngợi rồi lại đứng lên đi đi lại lại.  Nhìn cậu có vể như đang nhiều suy nghĩ, không hợp với độ tuổi vô tư này mà nhìn rất quen, vừa nghĩ vừa cố nhớ xem cậu bé là con nhà ai ở đây.

Ông Toàn bước ra đường, đợi cậu bé đi đến gần thì cất tiếng: Này cháu, có phải cháu là con ông cô Thoa ở đầu đường kia không?

Cậu bé đứng lại, nhìn ông với ánh mắt thăm dò: Dạ!

Ông tiếp lời: Thế cháu có bận việc gì không? Có đi học thêm bây giờ không?

Cậu bé đáp ngắn gọn: Dạ không!

 Đoán có chuyện gì xảy ra với cậu, ông Toàn “rủ rê”: Ở đây gió mát, cháu ngồi đây nói chuyện với ông tí cho vui. Ông đang đợi bạn ra đánh cờ mà chờ lâu quá… Nhìn cháu đang có nhiều tâm sự lắm. Thế cháu có chuyện gì kể ông nghe, xem ông có giúp được gì không?

-  Cháu buồn lắm ông ạ, bố mẹ luôn chỉ trích cháu học dốt.  Hôm qua có kết quả thi, bố cháu còn đánh cháu. Cháu thực sự mệt mỏi, cháu cũng đã cố gắng lắm rồi nhưng kết quả học tập cháu cũng chỉ được như vậy thôi. Biết bạn cháu cùng lớp gần nhà cháu  được điểm cao, bố mẹ suốt ngày so sánh, còn mắng cháu khi gặp bạn ấy làm cháu xấu hổ, không muốn ra khỏi nhà, không muốn đến lớp. Hồi này, công việc bố mẹ cháu cũng có trắc trở khó khăn, bố mẹ càng hay cáu giận vô cớ nên cháu buồn lắm. Cháu định lên thành phố xin việc làm ông ạ, vì cháu biết, sức học của cháu khó có thể thi vào trường đại học như ý của bố mẹ cháu được…Bố mẹ cháu chắc không đồng ý và lại mắng, đánh cháu mất nên chắc cháu sẽ bỏ nhà đi thôi ông ạ.  Trưa nay cháu không về nhà ăn cơm rồi.  Cháu không muốn ở nhà với bố mẹ nữa”

Ông Toàn chăm chú lắng nghe, gật gật đầu. Ông đã dần dần đoán ra sự việc. Nắm bắt tâm lý cậu bé và xác định đây là cậu bé  hiểu chuyện, dễ giáo dục. Câu chuyện của cháu bé không phải xuất phát từ sự mâu thuẫn mà do nhận thức của tuổi mới lớn chưa đầy đủ.

Ông Toàn nhẹ nhàng: Cháu có biết tại sao người lớn có những lúc nổi giận vậy không? – Bố mẹ cháu là công nhân nên kỳ vọng cháu học giỏi để thoát khỏi vòng vất vả như bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu mong cháu học giỏi nhưng cháu không đạt được nên buồn và hay nóng giận. Người lớn gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm cháu à. Trách nhiệm nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội, trách nhiệm với cha mẹ già, nay ốm mai đau, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, phải làm tròn trách nhiệm trong công việc, nhiều thứ lắm. Người lớn cũng là con người mà, cháu cứ nghĩ xem, cố gắng lắm, kiềm chế lắm, cũng có lúc “tràn” ra, cũng có lúc bộc phát ra. Thời gian này kinh tế khó khăn, làm gì cũng khó nên chắc áp lực mệt mỏi, có lúc đánh phạt cháu cũng là lý do như vậy nên cháu cũng không nên để bụng mà cùng thông cảm và cố gắng để bố mẹ cháu vui vẻ hơn… Bây giờ nghe ông trở về nhà nhé. Chắc bố mẹ cháu lo lắm vì trưa nay không về. Cháu phải hiểu con cái là tất cả niềm vui sống và hy vọng của bố mẹ đó. Cháu về nhà nhé!”

-     Vâng, cháu hiểu rồi ông ạ, cháu sẽ về nhà xin lỗi bố mẹ và cố gắng đỡ đần việc nhà với bố mẹ cháu và cố  gắng học hành hơn ông ạ.

-   Cháu nghĩ thế là phải, cháu là đứa trẻ ngoan và chắc chắn sau này bố mẹ sẽ tự hào vì cháu – ông Toàn động viên.

Cậu bé nhìn ông với ánh mắt đầy biết ơn và vui vẻ chạy về nhà. Còn ông Toàn lững thững trở về nhà. Lỡ mất buổi chơi cờ với bạn cờ, nhưng lòng ông cảm thấy vui vẻ và ấm áp. Nhất định buổi chiều ngày mai, ông sẽ lại dành 1 buổi để gặp gỡ trò chuyện với bố mẹ cậu bé này. Không thể để cậu bé ngoan như vậy bỏ nhà ra đi vì bố mẹ không hiểu con cái. Ông biết, rất nhiều cha mẹ thô bạo phủ nhận ý kiến của con, áp đặt suy nghĩ của mình, hai bên không thể chấp nhận nhau nên xảy ra xung đột. Nhiều cha mẹ nóng tính, dùng những lời lẽ thô tục mắng nhiếc, miệt thị hoặc dùng đòn roi, gây tổn thương cho con khiến trong phút chốc, con mong muốn được thoát khỏi "địa ngục" của cha mẹ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down