Thứ bảy, 21/12/2024, 09:34

Chuyện mẹ chồng giữ lương

Thứ năm - 05/10/2023 04:21 2.303 0

Vừa chân ướt chân ráo về làm dâu, Hiền đã được mẹ chồng gọi riêng vào phòng thủ thỉ: “Trước giờ mẹ vẫn giữ tiền của thằng Hưng (chồng Hiền), giờ có thêm con về nhà này coi như mẹ có thêm một đứa con. Từ nay tiền vợ chồng các con làm được bao nhiêu thì đưa cho mẹ giữ giúp”.

 

Theo Hiền, lí do mà mẹ chồng cô đưa ra đó là do vợ chồng cô còn trẻ, bà không tin tưởng khả năng quản lí tài chính cho hai vợ chồng. Thấy con dâu ngơ ngác, mẹ chồng Hiền vội trấn an “mẹ chỉ giữ hộ thôi, chứ đời nào bố mẹ lại lấy tiền của các con”. “Nghe mẹ chồng nói cũng có lý. Mới về làm dâu mình cũng chẳng muốn tranh luận cho mang tiếng làm gì. Thôi thì, bà thích giữ thì mình cho bà giữ”, Hiền nghĩ và đồng ý, chỉ bớt lại một chút cho tiền xăng xe, đi lại.

Mẹ chồng giữ tiền nhưng khi Hiền có việc cần dùng đến như làm lại răng gần 10 triệu đồng, đi ăn cưới bạn thân hay nhập viện vì sốt xuất huyết... cô đều tự xoay xở, vay mượn bạn bè để lo, chưa lấy được từ mẹ chồng chút nào.

2 năm sau, lúc vợ chồng chị sinh con đầu lòng, rồi 2 năm kế tiếp lại sinh con thứ 2, tiền bỉm sữa mỗi ngày một tốn kém, số tiền lương sau khi đưa cho mẹ chồng giữ, còn lại chỉ như muối bỏ bể. Cô nhẹ nhàng nói chuyện với chồng, nên đưa cho mẹ giữ 1 ít, hoặc cả 2 vợ chồng thống nhất đưa cho mẹ giữ 1 nửa số tiền lương của cả 2, còn lại anh đưa cho vợ cầm để tiện chi tiêu bỉm sữa và nuôi 2 con ăn học. Cô phân tích rõ nhưng chồng Hiền không  đồng ý, thậm chí, anh nói do vợ nghiện mua sắm, càng đưa nhiều tiền cô sẽ càng mua sắm nhiều hơn.Anh nói: “Sướng mà không biết hưởng. Em chỉ mỗi việc sáng đi làm, tối về nhà không phải lo việc to, việc nhỏ gì. Về nhà thì đã có cơm ăn, áo mặc…”

Có lần vì làm căng với anh nên chồng Hiền cũng nghe lời, thử  giải thích cặn kẽ với mẹ. Vừa nghe anh nói xong, mẹ anh bỗng nổi đóa cho rằng anh bị vợ ngồi lên đầu điều khiển.

Nói ra nói vào, vợ chồng Hiền lại căng thẳng, anh tỏ ra cáu bẳn, quát nạt vợ, quay ra cho rằng chị chấp nhặt, về nhà chồng mà không tôn trọng bố mẹ chồng. Còn cô thì vô cùng khó chịu. Tiền lương làm ra, nếu không đưa cho mẹ chồng giữ thì mình thành bất hiếu, mà đưa cho mẹ chồng giữ thì cô phải chi tiêu hạn hẹp, tằn tiện thái quá đến khổ sở. Chồng cô nói: "Mẹ già rồi, cũng chả ăn đời ở kiếp với mình mãi đâu, vài năm nữa mẹ sẽ chuyển quyền giữ tay hòm chìa khóa cho em thôi. Em cứ chiều mẹ một chút có mất gì đâu?". Vậy là để không khí vợ chồng dịu lại, Hiền đành chịu nhịn tất cả.

Thế nhưng, mọi sự phức tạp vẫn chưa dừng lại ở đó. Mỗi lần cần chi tiêu bỉm sữa cho các con, rồi đóng tiền học hành, cô thẽ thọt nói mẹ chồng đưa tiền để lo cho con cái, thì mẹ chồng liền lập sẵn sổ sách, bắt chị kê vào ngày tháng, giờ, phút... cô lấy bao nhiêu tiền và ký nhận vào sổ khi bà đưa tiền cho.

Đỉnh điểm là mới đây, bố đẻ Hiền đi viện cấp cứu, cô liền rút 10 triệu đồng của kỳ lương chưa kịp chuyển cho mẹ chồng  trong lúc cấp bách cũng bị nhà chồng nói làm được bao nhiêu mang về nhà đẻ, chì chiết nặng nhẹ dù sau đấy bố mẹ đẻ của Hiền sau đó đã gọi con rể để trả lại….

Những bất ưng về các vấn đề nhỏ nhặt ngày càng lớn hơn, rồi trở thành bóng đen bao phủ lấy cô. Hiền bắt đầu không đưa lương của cô cho mẹ chồng và xin phép ăn riêng. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ với vợ,  chồng lại tát Hiền vì dám hỗn láo với mẹ.

Hiền thấy tủi thân vì chồng luôn đứng về phía mẹ. Cô khao khát cuộc sống như những phụ nữ khác: được cầm lương, được tự mua những món ăn cho gia đình nhỏ của mình, nhưng điều đó quá xa vời.

Cô tìm đến chị hòa giải viên gần nhà và tân sự những chất chồng bấy lâu nay và ý định muốn chấm dứt cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho mình.

Không biết chị Hòa nói với mẹ chồng Hiền thế nào mà sau đó mẹ chồng gọi vợ chồng Hiền lại và đồng ý giao quyền quản lý chi tiêu lại cho hai vợ chồng.

Bằng kinh nghiệm sống và nhiều năm làm công tác hòa giải, chị hòa giải viên đã tháo gỡ nút thắt cho cả 2 bên. Gặp gỡ chồng của Hiền, theo  chị Hoà phân tích, việc mẹ chồng nắm kinh tế của con trai sau khi kết hôn không hiếm. Nhưng nếu người chồng biết cân bằng thì vẫn có cách làm mẹ vui cũng như đảm bảo sự độc lập tài chính của gia đình riêng. Chẳng hạn, người chồng có thể biếu tiền mẹ dưỡng già hoặc gửi mẹ giữ một phần nhỏ thu nhập để làm tiết kiệm, để người mẹ luôn thấy vui vẻ, không cần phải hỏi tiền con trai khi cần. 

Với Hiền, chị hòa giải viên chia sẻ: “Nguyên nhân khiến mẹ chồng thích quản lý tiền bạc của con cái chủ yếu xuất phát từ thói quen trước đó hoặc do tâm lý sợ các con không biết cách chi tiêu. Hoặc cũng không loại trừ trưởng hợp bà mẹ chồng sợ con trai mình vất vả kiếm tiền trong khi con dâu tiêu xài hoang phí. Dù trường hợp nào thì người con dâu cũng cần biết cách thảo luận tiền bạc với mẹ chồng ngay từ đầu để thống nhất quan điểm.  Con dâu cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước những việc lớn cần chi tiêu. Điều này sẽ khiến mẹ chồng, dù không giữ tiền cũng sẽ cảm thấy được coi trọng và tôn trọng. Cuối cùng, điều quan trọng nhất đó là việc chúng ta nên học cách chi tiêu hợp lý, biết tính toán việc tương lai. Như thế thì sẽ chẳng mẹ chồng nào đòi giữ tiền giúp”, chị Hòa tâm tình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down