Thứ năm, 25/04/2024, 05:23
hoagiaiocoso

Vợ chồng cho nhau mượn tài sản riêng như thế nào?

Thứ tư - 07/12/2022 21:38 348 0

Sau khi kết hôn, em đã cho chồng sử dụng tài sản mà em có được trước đó để làm ăn, cả hai ngầm hiểu là cho mượn chứ không phải thỏa thuận về việc sử dụng tài sản chung. Cũng vì vậy mà lợi nhuận từ số tài sản này đều mang tên anh ấy.

Nay vợ chồng em ly hôn, liệu em có quyền đòi lại số tài sản đã đồng ý cho chồng mượn không?

Trả lời

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tải sản riêng của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng được quy định tại Điều 44 của Luật này. Đó là:

“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.

Như vậy, nếu tài sản riêng của bạn không được nhập vào tài sản chung của vợ chồng sau khi kết hôn, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt là quyền của bạn. Theo đó, mặc dù đã là vợ chồng, về nguyên tắc việc chồng bạn mượn tài sản riêng của bạn có nghĩa hai người đã thiết lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mượn tài sản.

Hợp đồng mượn tài sản, theo Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.

Với tư cách bên mượn tài sản, chồng bạn có nghĩa vụ như giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa; không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn; bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn; bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả. Đặc biệt là nghĩa vụ trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

Với tư cách bên cho mượn, bạn có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý; đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

Việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung được thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật này như sau:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Khi đã nhập tài sản riêng vào tài sản chung, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận. Lưu ý, thỏa thuận định đoạt tài sản chung phải lập bằng văn bản trong những trường hợp sau đây:

- Bất động sản;

- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh, theo Điều 36 của Luật này, “thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.

Tóm lại, nếu không có thỏa thuận về việc đưa tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng, hai người có thỏa thuận về việc cho chồng bạn mượn để đầu tư kinh doanh thì bạn có quyền đòi lại tài sản này. Truồng hợp đã là tài sản chung, khi anh ấy sử dụng tài sản này để đầu tư kinh doanh cần có sự đồng ý của bạn và sau đó, anh ấy được tự mình thực hiện giao dịch có liên quan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay10,671
  • Tháng hiện tại338,656
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,359,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down