Bạn bè là nghĩa tương thân
Lẻng và Dũng là bạn cùng xóm và học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Lẻng học giỏi những môn tự nhiên, còn Dũng lại có đam mê với văn chương và những môn xã hội. Do mỗi người một thế mạnh, Dũng và Lẻng luôn trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập suốt, hai người ngày càng trở vì thế mà trở nên thân thiết.
Thời gian thấm thoát, Dũng và Lẻng đứng trước kỳ thi đại học và phải lựa chọn cho mình một hướng đi cho tương lai. Lẻng chọn thi vào Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa đúng như ước mơ còn Dũng sẽ thi vào Đại học Luật.
Hôm Lẻng nhận được giấy báo liền gọi điện khoe với Dũng:
- Alo! Dũng à, đã nhận được giấy báo chưa?. Tôi đỗ rồi ông ạ. Trường gửi Giấy báo trúng tuyển về rồi.
Đầu máy bên kia, Dũng chầm chậm trả lời:
Tôi vẫn chưa. Ông đỗ rồi à ? Chúc mừng nhé!
Lẻng lúc này mới chợt nhận ra vì vui mừng quá mà mình đã quên mất cảm xúc của Dũng, liền động viên:
- Ông yên tâm. Chắc mấy hôm nữa rồi ông cũng sẽ nhận được Giấy báo của trường thôi. Tôi tin là ông cũng sẽ đỗ mà. Học như ông thì chắc chắn sẽ đỗ thôi. Yên tâm!
Dũng chỉ ậm ừ:
- Ừ. Tôi cũng mong thế. Mấy hôm nay ngồi chờ kết quả mà cứ như ngồi trên đống lửa đấy. Bố mẹ tôi chắc cũng sốt ruột nên cứ hỏi suốt.
Lẻng động viên bạn: Tôi với ông nhất định sẽ cùng lên Hà Nội học đại học. Hít thật sau một hơi sau lời động viên của Lẻng, Dũng cười trong hy vọng nói: Hy vọng thế. Giờ cũng chỉ biết chờ tiếp thôi. Có tin gì tôi sẽ báo cho ông. Mà biết đâu mấy hôm nữa tôi và ông lại cùng lên Hà Nội nhỉ !!!...
Lẻng động viên bạn: Tôi tin ông cũng sẽ đỗ thôi. Ông phải lên Hà Nội với tôi chứ. Bình tĩnh và yên tâm nhé !
Dũng cúp máy mà lòng hồi hộp khôn tả.
Hai hôm sau, Dũng cũng nhận được Giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Luật gửi về. Vậy là Dũng đã bước đầu đặt chân lên con đường trở thành luật sư như mong ước của bố. Cảm xúc của Dũng như vỡ òa, bố mẹ Dũng phấn khởi ra mặt. Dũng bấm điện thoại thông báo với Lẻng:
- Lẻng à. Tôi cũng đỗ rồi ông ạ. Tôi vừa nhận được Giấy báo trúng tuyển. Thế là 2 đứa mình cùng lên Hà Nội như lời ông nói rồi…hahaha
Lẻng cũng ra vẻ đắc ý:
- Đấy thấy chưa. Tôi đã bảo mà. Chúc mừng ông nhé.
Dũng lúc này mới thở phào nhẹ nhõm:
Mất ăn mất ngủ mấy hôm nay. Giờ mới nhẹ hết cả người ông ạ. Thế nhé. Tôi báo tin để ông biết. Giờ tôi cúp máy đây, tôi còn phải gọi cho cô chủ nhiệm nữa.
Để chuẩn bị cho việc lên Hà Nội nhập học, Dũng và Lẻng cùng sắm sửa đồ đạc và bàn bạc các phương án đi lại, ăn ở trong những ngày đầu tiên. Bố mẹ của Lẻng và Dũng cũng dặn dò hai đứa khi lên nhập học phải luôn quan tâm, đùm bọc, bảo ban nhau. Những ngày đầu lên Hà Nội thật lạ, cái gì cũng mới mẻ. Ban đầu do chưa quen ai và cũng bỡ ngỡ nên Dũng và Lẻng thuê cùng khu trọ. Sau đó chừng nửa năm, phần vì đã quen thêm bạn bè, phần thì để thuận tiện cho việc học tập nên Dũng và Lẻng mỗi người thuê trọ một nơi. Dũng vào ở tại ký túc xá của trường, còn Lẻng thì trọ trong một xóm sinh viên gần trường Bách Khoa. Lâu dần, Lẻng và Dũng chỉ liên lạc qua điện thoại. Rồi đột nhiên một thời gian sau thì Dũng không liên lạc được với Lẻng nữa. Dũng gọi về nhà hỏi thông tin thì gia đình Lẻng cũng cho hay dạo này Lẻng cũng ít liên lạc về nhà hơn trước. Điều này làm Dũng hết sức lo lắng, Dũng không nói với ai nhưng trong bụng muốn tìm hiểu rõ vấn đề.
Sau một tuần hỏi han thông tin các mối quan hệ của Lẻng, Dũng biết được chỗ trọ và tìm đến gặp Lẻng. Dũng bất ngờ khi thấy Lẻng đầu tóc bơ phờ, hốc hác thiếu ngủ nên sốt ruột hỏi liên tiếp:
Lẻng! Sao dạo gần đây tôi gọi cho ông không được ? Mà tôi trông ông mệt mỏi quá. Ông vẫn ổn đấy chứ ?
Lẻng trả lời qua quýt:
- Ah ờ. Thì vẫn ổn. Đợt này, ngoài việc học ra tôi có nhận thêm việc để làm nên cũng hơi bận. Nhóm của tôi chủ yếu là người Việt ở bên Mỹ, họ lệch múi giờ nên toàn phải làm buổi đêm, cũng hơi mệt ông ạ.
Dũng rất bất ngờ, dù biết Lẻng có khả năng tốt về công nghệ thông tin nhưng một sinh viên năm thứ 2 mà đã có thể nhận và làm việc với những người ở nước ngoài thì Dũng nghĩ mình cần phải hỏi cho rõ ràng về công việc mà Lẻng đang làm. Dũng tò mò hỏi:
- Ông kiếm được việc làm trang trải thêm việc học hành tôi không cản, nhưng mà ông cũng nên giữ sức khỏe. Tôi thấy ông mệt mỏi quá, cẩn thận không tiền kiếm được lại đổ vào tiền mua thuốc đấy.
Lẻng cười, trấn an Dũng:
- Ông yên tâm. Việc tôi làm cũng là thời vụ thôi. Do đặc thù nên họ thuê tôi cũng chỉ thời gian ngắn, lương họ trả cũng khá nên tôi cố gắng chút ông ạ.
Dũng càng cảm thấy khó hiểu nên gặng hỏi thêm:
- Thế họ thuê ông làm gì ? Trả lương bao nhiêu ? Chuyên ngành ông là công nghệ thông tin nên chắc cũng khá nhỉ ?
Lúc này, Lẻng mắt nhìn Dũng, chân bước ra khép cửa rồi vẫy tay nói nhỏ:
- Tôi nói cái này ông đừng nói với ai nhé. Ba tháng trước, tôi có đăng tin tìm việc ở mấy diễn đàn trên mạng, cũng mô tả qua những gì mình có thể làm được. Thế là, có người gọi điện và bảo hiện đang cần tìm một người có khả năng xử lý công việc và thấy tôi phù hợp. Mức lương là 7 triệu/tháng với điều kiện là phải giữ bí mật.
Dũng bắt đầu nghi ngờ, với một sinh viên thì làm thêm với mức lương 7 triệu/tháng thì đúng là một khoản tiền không nhỏ nhưng nếu là việc chính đáng sao lại phải bí mật, nên Dũng liền hỏi tiếp:
- Làm gì mà 7 triệu/tháng và lại còn phải bí mật nữa ? Ông làm tôi sốt ruột rồi đấy. Hay là có điều gì mờ ám ở đây ?
Lẻng đưa tay bịt mồm Dũng, miệng ra hiệu đừng nói to:
Ông là bạn tôi nên tôi mới nói. Nhưng ông phải hứa là không được kể với ai đấy nhé, kẻ cả bố mẹ tôi. Ông phải hứa đi thì tôi mới nói. Mà chuyện này tôi cũng không làm lâu dài đâu, cùng lắm thì tôi làm thêm khoảng 2 tháng nữa thôi.
Dũng linh cảm sắp sửa nghe một chuyện động trời nên không nói được gì nhiều và chỉ gật đầu lia lịa:
- Tôi hứa. Ông nói đi. Tôi hứa là không nói với ai cả.
Dũng liếc về phía cửa để chắc chắn không có ai đang nghe lén chuyện của hai đứa. Một tay kéo từ trong gậm giường ra một đống thiết bị gì đó có nhiều đèn nhấp nháy, dây dợ lằng nhằng và một cái chảo parabol mini để thu phát sóng, rồi nói nhỏ:
Hiện nay, do mạng internet thông thường bị các nhà cung cấp dịch vụ kiểm duyệt rất nghiêm ngặt nên để giữ bí mật thì không thể cái gì cũng gửi nhận qua đó được. Có một công ty ở nước ngoài họ biết đối thủ trong nước có hệ thống thông tin viễn thông riêng để gửi nhận các thông tin liên quan đến chiến lược kinh doanh trong nội bộ của tổ chức. Họ muốn nhờ tôi thu thập và gửi các thông tin này qua kênh vệ tinh để theo dõi và phân tích. Thiết bị và cách thức thực hiện họ đều cung cấp và hướng dẫn. Còn lương thì trả qua tài khoản. Tôi chỉ việc ngồi nhà, yên lặng và làm việc là có tiền.
Dũng giật mình và không giữ được bình tĩnh nói:
- Trời ơi. Ông có biết như thế là phạm pháp không ? Và nếu bị phát hiện thì sẽ phải xử lý như thế nào không ? Ông bị điên thật rồi !!!
Lẻng vừa gãi đầu vừa nói:
- Tôi biết việc này là sai. Nhưng họ cũng chỉ thuê mình làm có mấy tháng, với lại mức lương kha khá đấy chứ. Còn mức phạt thì tôi cũng chưa tìm hiểu. Cùng lắm là phạt hành chính thôi mà. Tôi có làm gì ghê gớm lắm đâu ? Có phạt thì phải phạt những người thuê tôi chứ.
Dũng nghiêm mặt nói:
Này, tôi nói ông biết nhé, theo quy định Điều 21 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2020 quy định về hành vi vi phạm về kinh doanh dịch vụ viễn thông thì nếu hành vi này của ông bị phát hiện thì sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Ngoài ra, sẽ buộc phải thi hành hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này. Tiếp theo là ông sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đã gây ra. Đấy ông nghe rõ chưa, không phải chỉ là phạt hành chính đơn thuần đâu nhé. Với mức lương họ trả cho ông là 7 triệu/tháng thì có đáng là bao. Mà chắc chắn học bạ của ông sẽ có “vết đen” nữa đấy, còn công an thì làm sao họ bắt được những người đang thuê ông làm việc này, vì họ đang ở nước ngoài mà.
Lẻng nghe nói thế thì mặt bắt đầu biến sắc:
- Vậy giờ tôi phải làm thế nào ? Tôi nghĩ chỉ là phát hành chính bình thường thôi. Chứ biết sẽ bị xử lý nặng tay như thế này thì tôi đã từ chối từ đầu. Đúng là tôi cũng chả tìm hiểu gì cả, tưởng kiếm tiền dễ thì mình làm thôi.
Dũng động viên:
Bây giờ ông đã biết hậu quả rồi. Tôi khuyên ông dừng ngay việc làm này lại. Cắt đứt mọi liên hệ với nhóm người kia và mang các thiết bị này ra công an trình báo rồi chờ giải quyết. Tôi nghĩ, với thái độ chủ động và cầu thị của ông thì mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi.
Lẻng liền rút ngay đống thiết bị với đống dây dợ lằng nhằng kia cuộn lại, còn miệng thì xuýt xoa:
May quá. Có ông bạn luật sư tương lai chỉ giáo. Chứ không để đến lúc có chuyện là chết dở đấy ông nhỉ ? Tôi cũng không ngờ hành vi này bị phạt nặng thế đâu.
Dũng thở dài như trút được gánh nặng. Lẻng và Dũng cùng thu gọn các thiết bị kia cho vào một cái túi lớn để cùng nhau mang ra cơ quan công an để trình báo sự việc. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà không suy xét kỹ càng, chút nữa Lẻng đã vướng vòng lao lý.
TS.