Bị cáo Bùi Văn Q phạm tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Bùi Văn Q từ quê lên huyện P, tỉnh Lai Châu sinh sống và làm nghề tự do buôn bán sắt vụ, bán hàng tạp hóa dong, trong một số lần đi bán hàng Q gặp một số người dân địa phương có bán một số cá thể động vật, thấy có khả năng nuôi và nhân giống được Q đã mua với mục đích mang về quê nuôi. Qua nhiều lần mua, mỗi lần mua được Q đều đem về nhà ở bản K, xã K, huyện P, tỉnh Lai Châu để cất giấu, cụ thể Q đã mua được 40 kg rắn hổ mang với giá 120.000 đồng/1kg, 02 con rùa với giá 50.000 đồng/1 con, 01 con cầy có có trọng lượng 2,5kg với giá 200.000 đồng/1kg. Tối ngày 15/4/2021, Bùi Văn Q mang toàn bộ số động vật trên đóng thành nhiều túi khác nhau, rắn cho vào 03 túi lưới loại túi nhựa, sau đó cho vào 03 sọt nhựa màu đen (loại sọt đựng hoa quả), rồi dùng bao xác rắn bọc lại, hai con rùa cho vào hai chiếc tất màu trắng riêng biệt buộc thắt lại bỏ vào trong một sọt đựng rắn, còn con cầy cho vào lồng sắt và dùng bao xác rắn bọc kín lại. Khoảng 19 giờ 45 phút cùng ngày Bùi Văn Q thấy anh Lê Hải L, sinh năm 1971 cùng trú tại bản K, xã K (hai nhà sát gần nhau) đánh xe ra trước cửa nhà nên Q hỏi đi đâu, anh L trả lời đi lên thành phố Lai Châu thăm người nhà. Thấy vậy Bùi Văn Q xin anh L cho đi nhờ lên bến xe khách tỉnh Lai Châu để về quê, anh L đồng ý, Q bảo anh L mở cốp xe để Q mang theo ít đồ, anh L bật khóa mở cốp và đi vào nhà thay quần áo. Bùi Văn Q chuyển toàn bộ số bao tải đựng rắn, rùa, cầy cho vào xe không cho L biết là động vật rắn, rùa, cầy. Khoảng 20 giờ cùng ngày Lê Hải L điều khiển xe ô tô BKS: 25 A-024.62 cùng Q lên thành phố Lai Châu. Trên đường đi L phát hiện thấy trong xe có mùi hôi có hỏi Q mang theo hàng gì, Q trả lời có con lợn cắp nách và một số đồ linh tinh mang về quê, nghe vậy L không hỏi gì. Khi đi đến thành phố Lai Châu, Q có gọi cho nhà xe và được nhà xe báo sẽ đón Q ở cây xăng S cho tiện nên Q bảo L đưa đến cây xăng S. Vì cũng muốn mua xăng nên L nhất trí. Khi anh L vừa dừng xe ở cây xăng S, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu thuộc Km 37+800, quốc lộ 4D thì bị lực lượng chức năng (Phòng cảnh sát môi trường, sảnh sát giao thông Công an tỉnh và Cục kiểm lâm tỉnh Lai Châu) phát hiện thu giữ toàn bộ số động vật trên của Q.
Bản kết luận giám định số 308/STTNSV ngày 19/4/2021 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:
“1. 40kg (bốn mươi kilogam) cá thể động vật là loài rắn hổ mang một mắt kính có tên khoa học Naja kaouthia gồm 39 cá thể. Loài rắn Hổ mang một mắt kính có tên trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ).
2. 02 (hai) cá thể động vật là loài Rùa đầu to có tên khoa học Platysternon megacephalum. Loài Rùa đầu to có tên trong Phụ lục I. Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ((Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ- CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ) và đồng thời có tên trong nhóm IB. Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ)).
3. 01 (một) cá thể động vật là loài cầy vòi mốc có tên khoa học Pagumalarvata. Loài cầy vòi mốc có tên trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ).
Bản kết luận định giá tài sản số 01/KL-HĐ ĐGTS ngày 06/5/2021 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu kết luận: 40 kg rắn hổ mang một mắt kính (cá thể còn sống) có giá trị 8.400.000 đồng; 2,5kg cầy vòi mốc (cá thể còn sống) có giá trị 792.500 đồng.
Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án như: vật chứng thu giữ, biên bản niêm phong đồ vật thu giữ, kết luận giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lời khai của người làm chứng, lời khai của bị cáo, cùng toàn bộ các tài liệu, chứng cứ khác, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định: Vào hồi 21 giờ 10 phút ngày 15/4/2021, tại khu vực km 37+ 800 quốc lộ 4D thuộc xã S, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu cùng Cục kiểm lâm tỉnh Lai Châu bắt quả tang Bùi Văn Q có hành vi vận chuyển 02 cá thể Rùa đầu to có tên khoa học Platysternon magacephalum.
Rùa đầu to có tên khoa học Platysternon magacephalum có tên số thứ tự số thứ tự 92 trong Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ và số thứ tự 88 nhóm IB Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ. Hành vi cất giấu và vận chuyển 02 cá thể rùa đầu to của bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi đó đã xâm phạm chế độ bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của Nhà nước. Bản thân bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù bị cáo không biết đó là động vật thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ nhưng các hành vi cất giấu không cho ai biết cho thấy bị cáo có biết và có thể nhận thức được hành vi của mình bị Nhà nước cấm nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Do đó đủ cơ sở khẳng định hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể điều luật quy định: “1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mực loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”....
Tính chất hành vi phạm tội của vụ án là nghiêm trọng, mặc dù số động vật còn sống và mục đích động cơ chỉ là mua vận chuyển về để nuôi chưa thực sự gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên hành vi đó cũng phần nào ảnh hưởng môi trường sinh thái, có thể làm mất sự cân bằng sinh thái, sự đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, quý hiếm và còn xâm hại đến sự sinh tồn tự nhiên của các loài động vật hoang dã quý, hiếm đang được ưu tiên bảo vệ, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về môi trường. Do đó phải xử lý bị cáo bằng luật hình sự mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Từ những phân tích trên, căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo được nên không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi môi trường ngoài xã hội mà chỉ cần dưới sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú cũng có thể cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo là có căn cứ, do đó Hội đồng xét xử áp dụng quy định Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội là phù hợp, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với nhưng người phạm tội biết ăn năn, hối cải.
Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển 40kg gồm 39 động vật cá thể rắn hổ mang một mắt kính có tên khoa học Naja kaouthia và 01 cá thể động vật cầy vòi mốc có tên khoa học Paguma larvata là những động vật thuộc nhóm IIB, Danh mực thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ) không thuộc tội phạm được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự thì bị xem xét theo tội phạm quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự, tuy nhiên số cá thể rắn và cầy trên được định giá có tổng giá trị là 9.192.500 đồng nên không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự, vì vậy hành vi trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính là có căn cứ, Hội đồng xét xử không xem xét.
Có thể thấy việc bị cáo mua bán động vật hoang dã nói chung, động vật nguy cấp, quý hiếm nói riêng rất dễ dàng, không được cấp chính quyền tuyên truyền thường xuyên để họ hiểu rõ thế nào là vi phạm các quy định của pháp luật về động vật nguy cấp, quý, hiếm sẽ bị xử lý bằng luật hình sự, do đó cần kiến nghị các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm đến cộng đồng dân cư.
Bị cáo Bùi Văn Q phạm tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm t, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Bùi Văn Q02 (Hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Bùi Văn Q cho Ủy ban nhân dân xã K, huyện P, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp bị cáo có thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian chấp hành án, bị cáo thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.