Thứ bảy, 21/12/2024, 08:06

LUẬT SƯ CÓ ĐƯỢC THAM GIA HÒA GIẢI?

Thứ năm - 24/06/2021 21:32 794 0
1. Nội dung vụ việc, mâu thuẫn
Nhà ông Duy và nhà bà Cúc ở sát cạnh nhau, khi sửa nhà, bà Cúc làm thêm mái tôn che mưa nhưng không làm đường thoát nước. Do vậy, mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà bà Cúc chảy sang mái bằng nhà ông Duy và thấm xuống các phòng bên dưới. Khi ông Duy yêu cầu bà Cúc phải làm đường thoát nước thì bà Cúc cho rằng việc nhà ông Duy bị thấm nước là do mái nhà ông đã không được xử lý chống thấm, việc này không can hệ gì tới bà và còn lớn tiếng tranh cãi. Mâu thuẫn giữa hai gia đình xảy ra thường xuyên gây mất trật tự trong khu phố. Khi được Tổ trưởng Tổ hoà giải phân công, chị Duyên đã tìm hiểu sự việc và nhiều lần giải thích, vận động, tuyên truyền nhưng bà Cúc không nghe. Chị Duyên đã mời anh Thắng là một luật sư, được bà con ở khu phố tin tưởng nhờ cậy mỗi khi có việc liên quan đến pháp luật vì anh là người có lý có tình. Tuy nhiên, ông Duy không đồng ý vì cho rằng anh Thắng không phải là hòa giải viên do tổ dân phố bầu nên không được tham gia hòa giải.
 2. Quá trình hòa giải
 Trước hết chị Duyên giải thích với ông Duy rằng theo Điều 19 Luật hòa giải ở cơ sở: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.
Do vậy, chị Duyên mời anh Thắng là một luật sư và được bà con ở khu phố tin tưởng nhờ cậy mỗi khi có việc liên quan đến pháp luật vì anh là người có lý có tình tham gia hoà giải cùng chị là đúng quy định của pháp luật. Chị Duyên cũng nên giải thích cho ông Duy hiểu thêm rằng, không chỉ có những hòa giải viên được bầu theo quy định của pháp luật hòa giải và được chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên mới được tiến hành hòa giải, mà cả những người có trình độ, uy tín như anh Thắng cũng có thể tham gia hòa giải ở cơ sở. Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định Cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định...”(Điều 2)
Bên cạnh đó, mặc dù không phải là hòa giải viên nhưng trong quá trình tham gia hòa giải anh Thắng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.
4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Sau khi được chị Duyên giải thích, ông Duy đã hiểu rõ các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và tin tưởng rằng anh Thắng là luật sư nên rất am hiểu pháp luật, lại là người có uy tín, có lý, có tình nên đã đồng ý mời anh Thắng tham gia hoà giải mâu thuẫn của gia đình mình với bà Cúc.
Chị Duyên, anh Thắng và ông Duy cùng nhau sang nhà bà Cúc. Anh Thắng phân tích cho bà Cúc hiểu về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa được quy định tại Điều 250, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cụ thể như sau: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”. Theo đó, trước khi nhà bà Cúc sửa nhà thì nhà ông Duy không có tình trạng thấm dột như bây giờ, từ khi bà làm mái che thì nước mưa từ mái che đó chảy sang tường nhà ông Duy, do đó bà Cúc phải có trách nhiệm làm đường ống dẫn nước mưa.
Chị Duyên nói thêm: Các cụ ta từ xưa đã có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “tối lửa tắt đèn có nhau”; “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chúng ta không nên để “cái sảy nảy cái ung”,…
Sau khi nghe anh Thắng và chị Duyên phân tích, khuyên nhủ, bà Cúc đồng ý ngay ngày mai sẽ gọi thợ vào lắp đường ống nước để nước mưa từ mái tôn nhà bà không chảy sang nhà ông Duy nữa. Mọi người vui vẻ ra về, cuộc hòa giải đã thành công tốt đẹp.
                                                                                                                                                     ST.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down