Thứ năm, 28/03/2024, 05:57

NGHĨA NẶNG, TÌNH SÂU

Thứ hai - 05/07/2021 21:21 332 0
Ông Th và bà N (thôn X, xã Hoàng Y, huyện Z, tỉnh K) có 3 người con ruột là anh A, chị B, chị C và một người con nuôi là anh T. Chị B và chị C đều lấy chồng rất xa, một năm cũng chỉ về thăm bố mẹ được dăm ba lần. Ông Th, bà N hy vọng sau này nương tựa tuổi già vào anh A, song anh A lại là người nhu nhược, nên ngay sau khi lấy vợ đã xin ra ở riêng, không phụng dưỡng bố mẹ già. Chỉ có anh T là người có hiếu tận tình chăm sóc ông bà, thậm chí anh còn bán cả chiếc xe máy là phương tiện kiếm sống của mình lấy 15 triệu đồng chữa bệnh cho ông Th. Cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của anh T nên ông Th đã viết di chúc để toàn bộ tài sản là nhà và đất ở của mình cho anh T. Tuy nhiên, khi ông Th qua đời, thì giữa bà N và con dâu là vợ anh T xảy ra xích mích (bà cho là con dâu không nghe lời, không chăm sóc chu đáo khi bà đau ốm. Con dâu thì nói bà quá khó tính nên không chăm sóc nổi). Bà N giận không chịu ở cùng anh T mà về ở nhà anh A, đồng thời đòi lại nhà và đất đã cho vợ chồng anh T. Giữa bên vợ, bên mẹ, anh A không biết phải làm sao nên đến nhờ tổ hoà giải hòa giải giúp.
Qua tìm hiểu, xác minh vụ việc tổ hoà giải đã xác định được nguyên nhân xích mích giữa bà N và vợ anh T là do anh A thấy nhà và đất có giá, muốn sau khi bà mất anh phải được hưởng phần nhà và đất trên vì anh mới là con đẻ của ông Th, bà N. Vì vậy, sau khi ông Th mất, anh thường xuyên ghé thăm mẹ và nói anh T chỉ là con nuôi, hơn nữa lại chỉ sinh toàn con gái nên mai mốt lấy chồng, ông bà sẽ không có người hương khói. Bà N nghe anh A nói vậy nghĩ thấy cũng đúng nhưng vì ông Th đã làm di chúc để lại nhà và đất cho anh T nên bà mới làm khó khăn cho vợ anh T.
Sau khi nghiên cứu quy định pháp luật về thừa kế trong Bộ luật dân sự, đồng thời tham khảo ý kiến công chức Tư pháp - hộ tịch xã về giá trị pháp lý đối chiếu với bản di chúc ông Th viết cho thấy: hình thức di chúc ông Th lập là phù hợp với quy định của pháp luật, song nội dung di chúc ông Th lại định đoạt cả phần tài sản của bà N có trong khối tài sản chung của vợ chồng ông bà. Vì vậy, di chúc của ông Th chỉ có hiệu lực với phần di sản của ông Th. Phần tài sản của bà N trong khối tài sản chung của vợ chồng ông bà vẫn thuộc quyền của bà.
Tổ hoà giải đã cử bà Th đến gặp bà N để tâm tình, trao đổi xem bà N có kiên quyết về ở với anh A không? Vợ chồng anh A có thực sự chăm sóc bà tốt như vợ chồng anh T không? Bên cạnh đó, giải thích cho bà hiểu về quyền tài sản của bà trong khối tài sản chung với ông Th (nhà và đất), rằng về nguyên tắc, phân nửa khối tài sản đó vẫn là của bà. Tổ hòa giải cử ông H đến gặp vợ chồng anh T giải thích cho anh hiểu giá trị của bản di chúc của ông Th, khuyên vợ anh T nên “một điều nhịn chín điều lành”, vì tình nghĩa bấy lâu nay giữa ông bà và vợ chồng anh chị và thông cảm cho sự lo lắng của bà N.
Sau khi gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt được tâm tư riêng từng bên, tổ hoà giải mời bà N, vợ chồng anh T và các con của bà N đến dự buổi hoà giải. Sau khi nghe các bên trình bày và phân tích của các thành viên tổ hoà giải, bà N không đòi lại phần đất thuộc tài sản chung của vợ chồng ông bà nữa mà toàn bộ phần tài sản của bà sẽ dùng vào việc thờ cúng, giao cho anh T quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Vợ chồng anh T cũng hiểu ra không phải có di chúc của ông Th nghĩa là tài sản đã thuộc về mình, đồng thời hiểu được nỗi lo của bà N và hứa sẽ tiếp tục phụng dưỡng bà chu đáo như trước đây.

                                                                                                                                                                  Rơn Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down