Thứ bảy, 21/12/2024, 08:04

“Vợ chồng là nghĩa phu thê...”

Thứ hai - 08/11/2021 03:40 1.901 0
Anh Nam và chị Thu kết hôn đã được hơn 6 năm và có hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Anh làm ở một cơ quan nghiên cứu khoa học còn chị bán hàng online. Kinh tế gia đình tuy không quá sang giàu nhưng cuộc sống ổn định, gia đình êm đềm hạnh phúc. Vậy mà thời gian gần đây, mọi người nghe tin vợ, chồng chị mâu thuẫn trầm trọng, thường xuyên cãi vã, có thể phải ra tòa ly hôn.
Biết được chuyện đó, bà Thương là hòa giải viên khu phố cũng là chỗ thân tình với mẹ chị đã lựa lời hỏi han và ngỏ ý giúp đỡ nếu chị có vướng mắc gì cần tháo gỡ.  Chị đã trải lòng với bà về câu chuyện của gia đình mình.
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc anh Nam chồng chị quyết định bỏ “việc nhà nước” để ra ngoài làm ăn. Ban đầu chị không ủng hộ ý định đó vì chị nghĩ anh đã quen với việc nghiên cứu khoa học, không phù hợp với việc bon chen chốn thương trường làm kinh tế. Tuy nhiên, anh Nam vẫn một mực giữ nguyên ý định và thuyết phục chị nghe theo. Anh nhất quyết nộp đơn xin nghỉ việc ở cơ quan cũ, tự tin sẽ “đổi đời” bằng công việc mới và cho vợ con cuộc sống an nhàn hơn bằng cách hùn vốn với người bạn thân mở cửa hàng kinh doanh phụ tùng và sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô. Anh bảo với chị đời sống của người dân ngày một nâng cao, người ta sắm sửa ô tô ngày càng nhiều. Việc của anh mở cửa hàng này chắc chắn sẽ “ăn nên làm ra”.
Nghe chồng thuyết phục, chị cũng xuôi theo. Anh, chị đem giấy tờ căn nhà đang ở đem cầm cố để anh có đủ vốn góp chung với người bạn. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Từ khi mở cửa hàng, hai năm liền bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh Covid kéo dài, cửa hàng rơi vào tình cảnh ế ẩm, thời gian đóng cửa kéo dài, trong khi đó, lương công nhân vẫn phải trả, lãi ngân hàng ngày càng trở nên chồng chất.
Một ngày, anh Nam thông báo với chị việc làm ăn phá sản, vốn chỉ còn lại vài chục triệu đồng sau khi bán nhà xưởng và thanh toán các khoản đến hạn phải trả. Chị phải chạy vạy ngược xuôi mới vay đủ tiền trả ngân hàng để khỏi bị xiết nợ căn nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn, chị không còn cách nào khác là phải vất vả nhận đủ thứ việc để kiếm tiền với mong muốn trước mắt là hàng tháng có đủ tiền trả nợ ngân hàng và duy trì cuộc sống của gia đình.
 Sự thất bại đã khiến anh Nam từ một người quyết đoán, mạnh mẽ trở nên ngã gục. Anh phải nghe nhiều lời chê bai, đàm tiếu của gia đình, họ hàng  từ việc kinh doanh thất bại đã làm liên lụy đến vợ con. Thời gian đó, do những mệt mỏi từ công việc và áp lực từ cuộc sống, chính chị nhiều lúc cũng không tránh khỏi những lời lẽ cay nghiệt, nhiếc móc chồng là người vô dụng. Những trận cãi vã trong gia đình trở nên thường xuyên hơn. Hạnh phúc gia đình anh, chị trở nên mong manh và có nguy cơ tan vỡ, đã có lúc chị nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng nhìn đứa con nhỏ hay quấn quýt bên bố, chị lại không đành lòng… Chị muốn được nghe lời tư vấn, hướng dẫn để thoát khỏi tình cảnh của mình hiện tại.
Nghe chị Thu trải lòng về câu chuyện của gia đình mình, bà Thương ân cần hỏi chị: Từ ngày chồng chị gặp khó khăn, chị đã bao giờ quan tâm an ủi, động viên, hỏi han hay nghe anh giãi bày tâm sự về những thất bại của anh hay chưa. Chị Thu thấy giật mình vì đúng là từ khi chồng gặp thất bại, chị chưa từng nghĩ đến điều đó. Gánh nặng mưu sinh đã choán hết thời gian, công sức của chị. Chị không còn cảm xúc, tâm trạng để hỏi han hay quan tâm đến anh mà chỉ biết oán hận, trách móc, chì chiết anh không nghe theo lời chị nên đã đẩy mẹ con chị đến chỗ vất vả chất chồng.
Bác Thương đã động viên chị nên thay đổi từ chính bản thân mình, có như vậy mới mong chồng thay đổi. Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định về tình nghĩa vợ chồng, theo đó: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Bác Thương còn nói, trong gia đình, khi một trong hai người chẳng may “sa cơ lỡ vận”, người còn lại giữ vai trò rất lớn trong việc giúp vợ hay chồng mình đứng dậy làm lại từ đầu và giữ hôn nhân vượt qua khó khăn. Làm được như vậy, chẳng những vợ, chồng sẽ vững tay chèo chống con thuyền hôn nhân vượt qua giông bão mà còn giữ được ngọn lửa yêu thương, thêm sâu nặng nghĩa tào khang. Dân gian có câu “Vợ chồng là nghĩa phu thê/Tay ấp má kề sinh tử có nhau” để nói đến sự bao dung, hỗ trợ nhau khi bạn đời gặp khó khăn hay lầm lỗi. Đó cũng là cách để người còn lại có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, thấy bản thân mình vẫn có vai trò, giá trị trong gia đình để rồi trân trọng yêu thương bạn đời hơn, bảo vệ xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Bác còn hứa sẽ cho vợ chồng chị vay một khoản vốn nhỏ không tính lãi để có vốn làm ăn trong giai đoạn khó khăn này.
Một thời gian sau, chị Thu đến gặp để cảm ơn bác Thương về những lời khuyên chân tình và sự giúp đỡ quý báu của bác đã giúp anh chị giữ được mái ấm gia đình. Chị đã biết cách bao dung hơn, biết “nâng” khi chồng “ngã” và trở thành điểm tựa tinh thần cho anh vực dậy. Chồng chị đã trở nên thay đổi khi nhận được sự quan tâm ân cần của vợ. Dần dần, anh, chị đã trả được hết món nợ ngân hàng và tiếng cười vui đã dần trở lại với gia đình anh, chị.
                                                                                                                  TS.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down