Do yêu cầu công việc phải làm nhiều thời gian, chồng hay đi công tác xa, lại phải chăm hai con nhỏ nên chị Nguyệt không thể đảm đương được hết công việc gia đình. Đầu năm, gia đình chị có thuê một người giúp việc. Tuy nhiên, sau khi mượn cớ về quê thăm nhà, người giúp việc đó đã không quay trở lại làm việc. Chưa tìm được người giúp việc mới, chị Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ một đồng nghiệp ở cơ quan giới thiệu cho một người giúp việc, chị Nguyệt đã thuê được bà Phương để giúp việc nội trợ và chăm sóc cho các con. Rút kinh nghiệm của người giúp việc lần trước, lần này, chị Nguyệt đã yêu cầu bà Phương đưa giấy tờ tùy thân là chứng minh thư nhân dân để chị giữ và thỏa thuận sẽ giữ hết lương của bà Phương đến cuối năm mới thanh toán. Sau khi đã thống nhất, cả hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản với thời hạn 12 tháng.
Tuy nhiên, khi làm việc tại nhà chị Nguyệt được sáu tháng, vì con dâu sinh con, ở nhà không có người chăm sóc nên bà Phương đã xin chị Nguyệt nghỉ việc. Do tạm thời chưa tìm được người giúp việc mới và nghĩ rằng bà Phương vi phạm cam kết nên chị Nguyệt không cho phép bà Phương nghỉ việc, không trả lương và giấy tờ tùy thân cho bà. Không biết làm thế nào để chị Nguyệt trả tiền và giấy tờ cho mình, bà Phương đã bỏ về và tìm đến nhà chị Hòa là cán bộ hội phụ nữ xã nhờ tư vấn cho trường hợp của mình.
Sau khi nghe bà Phương trình bày xong sự việc xảy ra, chị Hòa đã phân tích cho bà các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019 thì công việc bà Phương được xếp vào công việc giúp việc gia đình.
Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định: “Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình”. Trong trường hợp này, bà Phương và chị Nguyệt đã giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, do đó bà Phương hoàn toàn có thể dựa vào các căn cứ pháp lý dưới đây để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình:
Thứ nhất, Điều 165 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động bao gồm:
“1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.”
Như vậy, theo quy định nêu trên thì chị Nguyệt- người sử dụng lao động đã có những hành vi vi phạm quy định của Điều 165 Bộ luật Lao động năm 2019.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ năm 2019 cũng có quy định:
“Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật lao động năm 2019;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật lao động năm 2019;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật lao động năm 2019;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động năm 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật lao động năm 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Như vậy, khi bị chị Nguyệt giữ lương trong 6 tháng và giữ giấy tờ tùy thân, bà Phương hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Trong trường hợp này, bà Phương phải báo trước cho chị Nga trước ít nhất 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 do hợp đồng bà Phương ký với chị Nguyệt có thời hạn 12 tháng.
Thứ ba, Điều 16 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.
Xét theo trường hợp này thì bà Phương phải nghỉ việc hoàn toàn là tình trạng bất khả kháng, nên chị Nguyệt phải thanh toán đủ tiền lương cho bà Phương theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, hai bên có thể cùng nhau thương lượng, giải quyết.
Nghe chị Hòa phân tích xong, bà Phương cảm thấy yên tâm hơn và nhờ chị Hòa đến gặp chị Nguyệt để giải quyết cùng bà. Sau khi nghe chị Mai nói rõ về các quy định pháp luật, chị Nguyệt trình bày vì muốn giữ bà Phương ở lại làm việc cho mình lâu dài nên chị mới giữ giấy tờ tùy thân và lương của bà. Nay chị đã hiểu việc làm của mình là trái quy định pháp luật. Chị sẽ thanh toán hết lương cho bà Phương và tự nhủ, lần sau có làm gì cũng tìm hiểu rõ, phải hiểu đúng mới làm đúng được, tránh dẫn đến những vi phạm pháp luật không đáng có.
Ý kiến bạn đọc