Nhà anh Biên hôm nay rộn ràng hơn hẳn mọi ngày bởi con trai anh Biên cưới vợ. Vì dịch covid-19 nên chỉ có hơn chục người trong gia đình và hai người bạn thân của con trai anh Biên dự lễ thành hôn. Vừa soi gương, vừa ngắm sửa bộ áo dài, chị Tám (vợ anh Biên) giục mọi người:
- Sắp đến giờ đi đón dâu rồi, bác Hà, cô Bắc xong chưa ạ!
Thấy cô em nhắc giục, chị Hà vội kẹp tóc cho gọn đẹp rồi đứng dậy:
- Chị xong rồi đây, em nhớ nhắc cô Phương mang lễ xin dâu đi nhé!
Rồi hơn chục người đại diện cho nhà trai, họ đều đeo khẩu trang ra xe ô tô để đi đón dâu. Trên đường ra xe mọi người cười nói vui vẻ, chị Bắc chia sẻ “giá như không có dịch covid-19 thì hôm nay nhà mình tưng bừng lắm đây”. Ông Trân (chú ruột anh Biên) thì bảo “mỗi khi nhà có công việc thì ông chú bà bác, anh chị em đều vất vả. Hôm nay nhà mình đi tận Tuyên Quang để đón dâu đấy, mọi người có ai say xe không vậy?” Hỏi thế thôi, chứ anh Biên cũng đã sắp xếp đâu vào đấy, đoàn đón dâu không ai say xe cả. Trừ chú rể, hôm nay chị Hà là nhân vật tương đối đặc biệt, anh Biên cho là thế.
Chả là, vài năm trước nhà chị Hà xây nhà 2 tầng mới thay thế ngôi nhà cấp bốn cũ. Vì nhà chị Hà nằm sát mặt đường làng, tận dụng con đường mới đổ bê tông rộng rãi, mặt đường có thể cho ba làn xe chạy, thợ nhà chị Hà mang sắt ra mặt đường để uốn. Ngày thứ nhất, mọi sự vẫn bình yên. Sang ngày thứ hai, buổi trưa hôm đó, anh Thắng là trưởng thôn, đến nhà chị Hà nhắc nhở việc gia đình để thợ làm sắt ngoài mặt đường làng.
Bị nhắc nhở việc để thợ uốn săt ngoài đường, chị Hà rất lấy làm thắc mắc, rằng mặt đường thì rộng, thi thoảng mới có một vài chiếc xe ô tô chạy qua, thế nên việc thợ nhà chị uốn sắt ở đây không ảnh hưởng gì đến giao thông của bà con. Chị Hà cho rằng ai đó “rỗi mồm” đi thắc mắc, phản ánh tới trưởng thôn. Vì thế chị quyết tìm cho bằng được người “rỗi mồm” đó.
Ở đâu chứ ở nông thôn thì việc tìm người không mấy khó khăn. Hóa ra chẳng phải ai xa lạ, người mách với trưởng thôn việc thợ nhà chị uốn sắt ngoài mặt đường lại chính là anh Biên, em họ chị Hà. Biết rõ rồi, ngay tối hôm đó, chị Hà đến nhà anh Biên trách móc, rằng, là chị em với nhau lại làm điều không tốt cho nhau, từ nay không còn chị em gì nữa,..vv.. và vv. Bị trách cứ, anh Biên đã khùng lại, rồi cũng “chị thì chị, chẳng chị thì thôi, tôi cần gì chị..”
Đi ngang qua, thấy hai người to tiếng, bà Hân rẽ vào:
- Có chuyện gì mà hai chị em to tiếng với nhau thế?
Chị Hà nhanh nhảu:
- Bác ạ, nhà cháu xây nhà, thợ họ uốn sắt trước cửa nhà cháu, có ảnh hưởng gì tới giao thông đâu mà nó cũng ton hót với trưởng thôn.
Bi chị Hà nói mình ton hót, anh Biên bức xúc tiến tới chị Hà. Thấy thế bà Hân đẩy anh Biên ra rồi nói:
- Cháu không nên trách cậu ấy, việc cháu để thợ uốn sắt ở mặt đường là sai rồi. Tuy xe cộ vẫn đi lại được, nhưng cũng không thể đưa sắt ra mặt đường để uốn được. Lỡ ra ai đó đi xe máy nhanh mà va phải thì khi ấy hối cũng không kịp. Thôi, cháu về đi, chị em với nhau, việc nhỏ đừng thổi thành chuyện lớn.
Nói rồi bà Hân quay sang anh Biên:
- Còn cháu, theo họ hàng thì cháu gọi cô Hà bằng chị đúng không? dù không sai nhưng cháu cũng nên xin lỗi cô Hà một câu, vì cháu là em.
Nghe bà Hân nói vậy, anh Biên tuy chưa hiểu nhưng cũng lí nhí:
- Thôi, em có sai chỗ nào, bác bỏ quá cho em.
Thấy cậu em xin lỗi, chị Hà đã nguôi giận, chị chào bà Hân rồi ra về. Lúc này anh Biên mới thắc mắc:
- Bác bảo cháu không sai, sao lại bảo cháu xin lỗi chị ấy?
- Cháu không hiểu thật à, có những cái mình không sai nhưng vẫn phải xin lỗi, đặc biệt là với người trên. Về lý thì cháu không sai nhưng vì cô ấy là chị họ cháu, lẽ ra cháu nên góp ý trực tiến với chị ấy sẽ hay hơn là việc cháu báo cho trưởng thôn. Vì các cháu có quan hệ họ hàng, có rất nhiều việc liên quan đến nhau. Chẳng hạn như, con cháu nay mai lớn lên, cháu gả chồng, cưới vợ cho chúng, nếu như hôm nay cháu không xin lỗi cô ấy, hai chị em từ nhau, không còn chị em gì nữa, liệu lúc ấy cháu có mời chị ấy đến dự không? Rồi còn các việc giỗ chạp nữa chứ. Sống cùng làng xã, lại là họ hàng nên mọi ứng xử phải khéo léo, tế nhị, cháu ạ.
Nghe bà Hân giảng giải, anh Biên đã hiểu ra. Những ngày sau đó, chị em họ không còn khúc mắc với nhau về việc uốn sắt ngoài đường. Ngày khánh thành nhà, chị Hà đã mời anh Biên đến dự cùng bà con họ tộc. Giờ, con trai anh Biên cưới vợ, chị Hà lại xăng xái cùng mọi người trong gia đình, họ tộc đi đón dâu.
Ý kiến bạn đọc